Tháng Ba vừa qua, Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban đã họp phiên đầu tiên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban yêu cầu, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn. Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu. Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một ê-kíp, một tập thể thật sự “ăn ý”, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh.
Trong công tác nhân sự Đại hội XIV, người dân đặc biệt quan tâm đến việc ai sẽ là người kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, đưa đất nước phát triển hơn nữa?
Việc bầu tân Chủ tịch nước và tân Chủ tịch Quốc hội mới đây đã khiến người dân bắt đầu phân tích các ứng cử viên cho chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sau năm 2026, khi dự kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ rời chức vụ. Các ứng cử viên sẽ là một trong số 16 Uỷ viên Bộ Chính trị hiện nay, nhưng tất nhiên sẽ có những người nổi trội hơn. Chẳng hạn như tân Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư. Tuy nhiên, vai trò “nguyên thủ quốc gia” đặt Chủ tịch nước Tô Lâm, 66 tuổi, vào một vị thế rất mạnh mẽ. Trong giai đoạn ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an, rất nhiều đại án tham nhũng, kinh tế đã được phanh phui như vụ Vạn Thịnh Phát, chuyến bay giải cứu, Việt Á, AIC, FLC, đăng kiểm… khiến nhiều quan chức phải thôi chức hoặc rơi vào vòng lao lý.
Trong phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước cam kết: “dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân…”
Ông cũng cho biết sẽ chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân.
“Tôi sẽ cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, ông nói và khẳng định sẽ thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; phát huy dân chủ XHCN đi đôi với củng cố trật tự, kỷ cương.
Ai sẽ là Tổng bí thư tiếp theo tất nhiên phụ thuộc vào kết quả Đại hội Đảng XIV, nhưng điều đó không cản trở được người dân đưa ra dự đoán.