Tô Lịch được cho là dòng sông bí ẩn nhất Việt Nam với truyền thuyết về việc bị trấn yểm. Ai yểm sông Tô Lịch theo truyền thuyết này?
Người ta kể rằng khi Cao Biền (821-887) sang đô hộ đất Việt, ông ta đã làm bùa trấn yểm khắp nơi để trừ long mạch hòng khiến cho nước Việt không thể ngẩng đầu lên được. Viên quan từng giữ chức “An Nam đô hộ” này vốn xuất thân là một viên võ tướng khét tiếng, cầm quân sang đánh Giao Chỉ và ở lại làm quan luôn.
Thế nhưng khi Cao Biền đi thuyền dạo trên dòng sông ôm lấy thành Đại La, Cao Biền đã gặp một ông già râu tóc bạc phơ ngạo nghễ tắm trên sông mà chẳng hề quan tâm tới thuyền của quan đô hộ đi qua. Biền thấy vậy dừng lại hỏi ông già tên họ gì, ông già nói: “Ta họ Tô, tên Lịch”. Biền lại hỏi, nhà ông ở đâu, ông già đáp rằng: “Nhà ta ở sông này”. Nói xong, ông già cười lớn và đập mạnh tay cho nước bắn mù mịt. Tiếng cười và cú đập nước ấy rất mạnh mẽ, ông già không coi tên quan đô hộ ra gì, thậm chí còn có ý châm chọc, giễu cợt hắn. Tô Biền cũng phải kinh sợ khi gặp phải thần sông nước Việt.
Tô Lịch là vị thần sông, đương nhiên thế và trong câu chuyện này còn hàm ẩn thêm một ý nghĩa khác: Kẻ bên ngoài không thể áp đặt sức mạnh và quyền lực lên nước khác, những trừ yểm của kẻ cao ngạo kia chẳng làm được gì, nước Việt từ thời thượng cổ vẫn luôn có những bậc anh hùng, quân vương đứng lên xây dựng và giữ gìn nền độc lập của dân tộc.
Vào thời Nguyễn, Tô Lịch vẫn còn là một dòng sông quan trọng, dù theo biến đổi tự nhiên, sông Hồng dần chuyển dòng sang phía tả ngạn, cửa sông Tô Lịch bị bồi tụ dần, nước sông Hồng không vào được và dần dần Tô Lịch mất đi vị thế con đường thủy của mình.
Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Nếu Tú Xương thời đó mà sống ở Hà Nội, chắc hẳn ông sẽ có những bài thơ khắc khoải về con sông từng một thời thơ mộng, gần gũi với người dân đất kinh kỳ này. Nhưng mà từ “sông Lấp” của Tú Xương ở Nam Định cũng có thể suy ra được bối cảnh u sầu của Tô Lịch bấy giờ. Văn thân Hà Nội cũng mở một cuộc thi thơ hoài nhớ về sông Tô nhưng không có tiếng vang lắm, còn đây là bài thơ lừng danh của Tú Xương về con sông bị lấp.