Asanzo lừa đảo là cụm từ mới xuất hiện trong gợi ý tìm kiếm của Google từ khi ngày 21/6/2019 báo Tuổi trẻ đăng loạt điều tra Asanzo “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam”.
Asanzo là một doanh nghiệp tư nhân mới nổi với tham vọng như tuyên bố của ông Phạm Văn Tam, 40 tuổi, CEO Asanzo là “một tập đoàn điện tử đa ngành hàng đầu Việt Nam, gồm 5 lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác như laptop, máy tính bảng… Những sản phẩm công nghệ mới dự kiến chiếm tỷ lệ 30% trong tổng công suất, thay vì chỉ 10% như hiện nay”.
Doanh thu 2016 của Asanzo đạt hơn 2.200 tỉ đồng, đặt mục tiêu 2017 doanh thu hơn 4.000 tỉ đồng. Doanh thu 2017 đạt 4.620 tỉ đồng, đặt mục tiêu 2018 doanh thu 10.000 tỉ đồng. Doanh thu 2018 đạt 6.250 tỉ đồng, không đạt mục tiêu đề ra. Asanzo quyết tâm đat mục tiêu 10 ngàn tỉ đồng doanh thu năm 2019.
Danh mục sản phẩm của Asanzo rất rộng, từ TV, smartphone, điều hòa cho đến cái ấm đun nước.
Sản phẩm của Asanzo bán rất chạy ở nông thôn, với giá rẻ như hàng Trung Quốc, mà lại là “hàng Việt Nam chất lượng cao”, “đỉnh cao công nghệ Nhật”.
Tuy nhiên, điều tra vừa công bố của báo Tuổi trẻ cho thấy Asanzo đã nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc về dán mác hoặc lột tem xuất xứ Trung Quốc trước khi bán ra thị trường với danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ngay lập tức trong ngày 21/6/2019, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao đối với doanh nghiệp Asanzo. Đồng thời, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội đã “Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này”.
Câu hỏi đặt ra lúc này là có phải Asanzo lừa đảo hay không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu rõ lừa đảo là gì?
Lừa đảo là thuật ngữ khoa học pháp lý xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua và được mọi người sử dụng rộng rãi ở trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Động cơ của người thực hiện hành vi lừa đảo là nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc làm cho người khác do hiểu sai sự thật mà tin tưởng ủng hộ mình.
Như vậy, rõ ràng là hành vi Asanzo bóc tem, dán mác Việt và khoe là hàng Việt Nam chất lượng cao trong khi thực chất là sản phẩm Trung Quốc theo định nghĩa trên là lừa đảo. Ở đây là lừa đảo nhằm làm cho người khác hiểu sai sự thật mà tin tưởng, ủng hộ mình.
Asanzo ‘sản xuất’ những gì?
Được thành lập từ năm 2013, trải qua 6 năm phát triển từ một doanh nghiệp không có tên tuổi, Asanzo đã vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam.
Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Trong năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu lên đến 10.000 tỷ đồng. Vậy Asanzo đang bán những gì tại thị trường trong nước?
Trên website chính thức của doanh nghiệp này có thể thấy, Asanzo tập trung vào các thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong gia đình như tivi, điện thoại, tủ đông lạnh máy điều hòa, quạt làm mát không khí…
Nếu là một khách hàng của Asanzo, nhìn danh mục cách sản phẩm mà hãng này đang bày bán thì chắc chắn một điều là, bạn có thể chọn toàn bộ đồ dùng điện tử điện lạnh phục vụ cho nhu cầu của bản thân và gia đình của thương hiệu mang tên Asanzo này từ tivi, tủ lạnh, bình nước, nồi cơm điện, ấm điện, quạt điện, máy lọc nước lò vi sóng, lò nướng…
Quả thực, đối với một doanh nghiệp, kinh doanh đa dạng các mặt hàng mà theo như công bố có “xuất xứ Việt Nam” như Asanzo là một điều khá hiếm. Hơn nữa, với mỗi danh mục sản phẩm, có hàng chục, thậm chí cả trăm lựa chọn cho khách hàng, đảm bảo có thể làm thỏa mãn, vừa lòng được cả những khách hàng khó tính nhất.
CEO Phạm Văn Tam là ai?
Shark Tam là biệt danh được đặt cho ông Phạm Văn Tam khi ông tham gia show truyền hình thực tế Shark Tank 2019 (Thương vụ bạc tỉ) sắp phát sóng trên truyền hình quốc gia VTV.
Ông Phạm Văn Tam (40 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Móng Cái, Quảng Ninh. Tốt nghiệp cấp 3, ông không theo học đại học mà tự bươn trải kiếm sống, trong đó có áp tải hàng từ Móng Cái vào chợ Nhật Tảo (TP.HCM). Sau thời gian thăng trầm, làm thuê ở chợ Nhật Tảo, gặp đúng thời làn sóng thay TV cục CRT, ông Tam quyết định làm ra TV thương hiệu của riêng mình từ năm 2009.
Nhưng trong hơn chục năm, các thương hiệu TV từ Fujiko đến SupoViet đều không có chỗ đứng. Đến năm 2014, sau khi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm thương trường, Phạm Văn Tam thành lập công ty cổ phần Asanzo. Với sản phẩm giá rẻ, thị trường công ty nhắm đến là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần.
Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.
Với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu lên 10.000 tỷ đồng trong năm nay.