Pháp luật cấm mua bán tạng, nhưng một số người vì cần tiền đã chấp nhận bán thận ở “chợ đen” với giá khoảng hơn 200 triệu đồng. Vậy sức khỏe người bán thận ảnh hưởng như thế nào?
Hầu hết con người được sinh ra với hai quả thận. Thận là một cơ quan quan trọng trong cơ thể sống, có chức năng hằng định nội môi, duy trì cân bằng axit ba zơ và điều chỉnh huyết áp. Thận có đóng vai trò là bộ lọc máu của cơ thể, bài tiết nước tiểu và các chất thải như Ure, Creatinin, axit uric và amoniac… Chức năng khác là tái hấp thu nước, các axit amin và glucose và tham gia vào chức năng nội tiết như sản xuất hoóc-môn như renin, và erythropoietin…
Nhiều người cho rằng việc mất một quả thận sẽ làm suy yếu khả năng của cơ thể và khiến chúng ta khó có được thể trạng khỏe mạnh. Tuy nhiên, suy nghĩ này không chính xác, vì thận của chúng ta là một cơ quan vô cùng linh hoạt và thích ứng cực tốt.
Trong y khoa, các nghiên cứu đã chứng minh rằng người ta có thể sống bình thường với một quả thận hoặc thận sai lạc vị trí. Dù có một quả thận và quả thận đó mang dị tật bẩm sinh nhưng chức năng thận hoạt động bình thường, không bị bế tắc mạch máu thì coi như người đó hoạt động bình thường, không bị hạn chế về khả năng lao động.
Trên thực tế, nhiều người có hai quả thận đã cho người khác một quả và vẫn sống bình thường. Trong y học, có người đã cho một quả thận, quả còn lại bị dập chỉ còn một nửa, tức chức năng thận chỉ còn trên 30% thì người ta vẫn sống được. Có người hai quả thận hư hết, sau khi ghép thận mới và người này vẫn đủ sức lao động bình thường.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh và tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ vào năm 2009 và 2010 trên những người hiến thận cho thấy: Không có sự khác biệt về tỷ lệ sống lâu dài giữa những người không hiến thận và những người hiến thận. Điều này phù hợp cả về độ tuổi, giới tính, chủng tộc, hay dân tộc. Tỷ lệ sống lâu những người có bệnh thận ở giai đoạn cuối thấp hơn đáng kể ở những người hiến tặng thận so với dân số trong quần thể.
Nghiên cứu cho thấy, ở những người hiến tặng thận, quả thận còn lại có sự tăng cường hoạt động ở mức 70% sau thời điểm hiến tặng 2 tuần và thận còn lại tăng cường hoạt động thêm 75-85% (tăng cường mức lọc cầu thận) khi theo dõi lâu dài. Điều đó cho thấy rằng với một quả thận còn lại sau hiến tặng, người cho thận vẫn có thể sống mạnh khỏe do thận còn lại tăng cường hoạt động bù cho chức năng của quả thận mất đi.
Tuy nhiên, hiến thận là một phẫu thuật, do đó người cho sẽ có vết sẹo sau cuộc mổ. Vết cắt do phẫu thuật có thể làm tổn thương thần kinh, gây nên những cảm giác đau đớn lâu dài về sau. Ngoài ra, người cho còn có thể có những nguy cơ về thoát vị, bán tắc ruột hoặc tắc ruột sau phẫu thuật.
Những người có một thận cần lưu ý kiểm tra sức khỏe định kỳ, cần chú ý xét nghiệm protein niệu, mức lọc cầu thận, các xét nghiệm khác đánh giá chức năng thận. Cần chú ý theo dõi tình trạng huyết áp:
Các bác sĩ khuyến cáo, sau khi hiến thận không nên làm việc nặng quá sức, chơi các môn thể thao nặng. Không nên để thừa cân, béo phì, không ăn quá nhiều chất đạm, nhất là đạm có nguồn gốc động vật.
Cần theo dõi huyết áp, đường huyết thường xuyên. Huyết áp cao có thể làm hư hỏng các vi mạch của thận, làm tổn thương cầu thận do đó làm suy giảm chức năng lọc của thận. Suy thận gây nên cao huyết áp, cao huyết áp lại làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của thận, tạo nên một vòng xoắn bệnh lý. Bởi vậy, những người còn một thận cần hết sức lưu ý để kiểm soát huyết áp.
Không hút thuốc, không uống nhiều rượu bia. Uống nước đầy đủ khoảng 2 lít mỗi ngày. Tránh chấn thương vùng hông lưng bên phía thận còn lại.
Tránh dùng các thuốc có hại đến thận như kháng sinh độc thận, các thuốc giảm đau không steroid, thuốc cản quang, các thuốc đông y không rõ nguồn gốc… Khi cần dùng thuốc, mắc các bệnh phải nhập viện cần báo cho bác sĩ biết đã hiến một thận. Theo dõi chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu về đạm niệu, hồng cầu niệu định kỳ mỗi 6 tháng, hàng năm.
Một số người đàn ông từng hiến thận cho biết sau khi hiến thận sức khỏe sinh lý bình thường, và họ vẫn sinh con đẻ cái một cách tự nhiên.