Theo PanCanal, có thể có tới 22.000 người đã chết khi xây dựng Kênh đào Panama. Theo hồ sơ bệnh viện, 5.609 người chết vì bệnh tật và tai nạn và trong số này, 4.500 là công nhân Tây Ấn.
Tổng cộng 350 người Mỹ da trắng đã chết trong quá trình xây dựng kênh đào Panama. Số công nhân chết thực tế trong thời kỳ xây dựng kênh đào của Pháp cho đến nay chưa rõ vì người Pháp chỉ ghi nhận người chết tại bệnh viện, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số.
Tổng chi phí để xây dựng Kênh đào Panama là 375 triệu đô la, bao gồm 10 triệu đô la được trả cho Panama và 40 triệu đô la trả cho Công ty Kênh đào Pháp để có quyền xây dựng kênh đào.

Thông tin thêm:
Kênh đào Panama (Canal de Panamá) nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ.
Việc xây dựng kênh đào này là một trong số những dự án công trình lớn nhất và khó khăn nhất đã thực hiện từ trước đến nay. Nó có ảnh hưởng to lớn đến vận tải thủy giữa hai đại dương, xóa bỏ hành trình dài và nguy hiểm thông qua eo biển Drake và Mũi Sừng (Cape Horn) ở điểm cực nam của Nam Mỹ. Một chuyến đi của tàu thuyền từ New York tới San Francisco qua kênh đào này chỉ vượt qua khoảng cách 9.500 km, chưa tới một nửa khoảng cách của hành trình trước đây qua mũi đất Horn (22.500 km).
Ý tưởng về kênh đào tại Panama đã có từ đầu thế kỷ 16, nhưng cố gắng đầu tiên trong việc xây dựng kênh đào này chỉ có vào năm 1880 dưới sự lãnh đạo của Pháp. Sau khi cố gắng này sụp đổ, công trình này cuối cùng đã được Hoa Kỳ hoàn thành và kênh đào mở cửa vào năm 1914. Việc xây dựng 77 km chiều dài của kênh đào đã vấp phải các trở ngại, bao gồm bệnh dịch (cụ thể là bệnh sốt rét và bệnh sốt vàng) cũng như các vụ lở đất.
Cấu tạo kênh đào Panama
Kênh đào Panama gồm có 17 âu tàu, cùng hai hồ nhân tạo. Một hồ nhân tạo bổ sung, hồ Alajuela, có vai trò làm hồ chứa nước cho kênh đào. Sơ đồ bố trí của kênh đào được xem xét trong quá cảnh tàu thuyền từ Thái Bình Dương tới Đại Tây Dương là như sau:
Do đặc điểm địa lý của khu vực nên hướng chính của cung đường là Đông Nam-Tây Bắc, trong khi hướng toàn thể là từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương là Tây-Đông. Mặt khác do mực nước ở Thái Bình Dương cao hơn so với mực nước ở Đại Tây Dương (chênh lệch 20 cm ở khu vực kênh đào này) nên kênh đào cần phải xây các âu tàu để tàu thuyền qua lại dễ dàng.
- Từ lối vào phao nổi của kênh đào tại vịnh Panama, tàu thuyền đi qua 13,2 km tới âu thuyền Miraflores, vượt qua phía dưới cầu Americas.
- Hệ thống âu thuyền hai tầng Miraflores, bao gồm cả lối vào sát tường, dài 1,7 km với tổng độ nâng là 16,5 m khi thủy triều trung bình.
- Hồ nhân tạo Miraflores là giai đoạn tiếp theo, dài 1,7 km, và nằm ở độ cao 16,5 m trên mực nước biển.
- Âu thuyền Pedro Miguel một tầng, dài 1,4 km, là phần nâng lên cuối cùng với độ nâng 9,5 m lên tới mức chính của kênh đào.
- Đường xẻ Gaillard cắt 12, 6 km thông qua đường phân chia lục địa tại cao độ 26 m và vượt qua phía dưới cầu Centenario.
- Sông Chagres (Río Chagres), một đường thủy tự nhiên được mở rộng bằng cách xây đập chắn hồ Gatún, chảy về phía tây khoảng 8,5 km, hợp nhất vào hồ Gatún.
- Hồ Gatún, một hồ nhân tạo được tạo ra nhờ xây đập Gatún, đưa tàu thuyền đi thêm 24,2 km xuyên qua eo đất.
- Âu thuyền Gatún, một âu thuyền bậc thang ba tầng dài 1,9 km, hạ tàu thuyền trở lại xuống tới mực nước biển.
- Một kênh dài 3,2 km tạo thành lối đi tới các âu thuyền từ phía Đại Tây Dương.
- Vịnh Limón (Bahía Limón), một bến tàu tự nhiên lớn, cung cấp nơi neo đậu cho một số tàu thuyền chờ quá cảnh và quãng đường đi dài 8,7 km tới đê chắn sóng phía bên ngoài.