Cùng với việc dịch covid 19 bùng phát ở vũ hán, Phòng thí nghiệm Vũ Hán trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, nhất là những người ưa thích đặt ra các thuyết âm mưu. Họ nghi ngờ chính nơi nghiên cứu các nguồn bệnh nguy hiểm nhất thế giới này đã phát tán virus corona ra ngoài.
Tuy nhiên, đây là một thuyết âm mưu. Các nhà nghiên cứu quốc tế đã khẳng định virus corona không phải do nhân tạo.
Năm 2015, Trung Quốc cho xây Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia ở Vũ Hán để nghiên cứu các nguồn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay Ebola (một dạng sốt xuất huyết).
Đây là phòng thí nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc được thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) – mức cao nhất, đồng nghĩa nó đủ khả năng xử lý các nguồn bệnh nguy hiểm nhất.
Tiêu chí BSL-4 bao gồm lọc không khí, xử lí nước và rác trước khi thải ra khỏi phòng thí nghiệm, và quy định các nhà nghiên cứu phải thay quần áo và tắm trước và sau khi sử dụng các thiết bị của phòng thí nghiệm.
Các phòng thí nghiệm BSL-4 ở Vũ Hán được thiết kế đặc biệt và được trang bị quần áo chuyên dụng có thể ngăn virus hay vi khuẩn không lan truyền trong không khí. Trên toàn cầu có khoảng 45 phòng thí nghiệm cao cấp này.
Phòng thí nghiệm BSL-4 ở Vũ Hán nhận chứng nhận tháng 1-2017. Và đây chỉ là 1 trong 5 hoặc 7 phòng thí nghiệm mà Trung Quốc có kế hoạch xây ở Vũ Hán.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán trị giá 300 triệu nhân dân tệ (44 triệu USD). Để làm dịu đi những lo ngại về vấn đề an toàn, nó được xây cách xa vùng đồng bằng ngập lũ và có khả năng chống chịu những trận động đất 7 độ richter, mặc dù vùng này chưa từng xảy ra động đất mạnh.
Phòng thí nghiệm tập trung vào kiểm soát các bệnh mới xuất hiện, lưu trữ virus tinh chế và hoạt động trong mạng lưới phòng thí nghiệm tham chiếu của WHO.
Dự án đầu tiên của phòng thí nghiệm Vũ Hán là nghiên cứu các mầm bệnh an toàn sinh học cấp độ 3 gây ra bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trên toàn thế giới và có thể truyền sang người.
Phòng thí nghiệm nghiên cứu mầm bệnh gây ra dịch SARS – loại mầm bệnh không cần đến phòng thí BSL-4, trước khi chuyển sang nghiên cứu virus Ebola và virus Lassa Tây Phi, là những loại mầm bệnh cần đến phòng thí nghiệm BSL-4.
Khoảng một triệu người Trung Quốc đang làm việc ở châu Phi nên nước này cần phải sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.
Những phòng thí nghiệm như Vũ Hán thường gây tranh cãi. Phòng thí nghiệm BSL-4 đầu tiên ở Nhật Bản được xây vào năm 1981, nhưng chỉ nghiên cứu các mầm bệnh có nguy cơ thấp hơn khả năng nghiên cứu cho phép cho mãi đến năm 2015, khi những lo ngại về an toàn cuối cùng đã được giải tỏa.
Việc mở rộng mạng lưới phòng thí nghiệm BSL-4 ở Mỹ và châu Âu suốt 15 năm qua – mỗi khu vực hiện có hơn 10 phòng thí nghiệm đang hoạt động hoặc được xây dựng– cũng vấp phải sự phản đối, trong đó có mối nghi ngờ liệu có cần phải xây nhiều phòng thí nghiệm cấp độ an toàn sinh học cao như vậy không.
Xung quanh phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã xuất hiện những lo lắng. Năm 2017, thời điểm phòng thí nghiệm chuẩn bị khánh thành, các nhà khoa học sinh học Mỹ đã cảnh báo nguy cơ sẽ có một loại virus giống như SARS thoát khỏi phòng thí nghiệm này.
Giờ thì virus corona giống virus SARS xuất hiện ở Vũ Hán.
Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán chỉ cách khu chợ hải sản nơi phát hiện dịch hơn 30km. Chi tiết này khiến người ta đặt câu hỏi về sự trùng khớp.
Nhiều nhà khoa học cho rằng virus lan truyền từ động vật sang người qua tiếp xúc ở chợ, biến đổi và tiếp tục lây từ người sang người.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về con virus này, cơ chế lan truyền cũng như phương pháo đặc trị, vắc xin phòng chống. Trong khi đó, dịch bệnh do virus corona mới gây ra đã lan ra toàn cầu, với hơn 85 ngàn người nhiễm, trong đó gần 3 ngàn người tử vong.