Ma tuý đá là một loại ma tuý nguy hiểm, có tác dụng ngay cũng như tác dụng lâu dài trên não bộ và trên các bộ phận quan yếu khác như hệ tuần hoàn (mạch máu, tim), thận, răng miệng. Meth cũng làm cho hệ phòng thủ (miễn nhiễm) của cơ thể yếu đi, cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Amphetamine được phát minh từ cuối thế kỷ thứ 19 (L. Edeleano, 1887) tại Đức. Methamphetamine được bào chế từ chất ephedrine tại Nhật (Nagayoshi, 1888).
Methamphetamine, mạnh hơn và dễ bào chế hơn amphetamine, được tổng hợp đầu thế kỷ thứ 20 tại Nhật (1919). Hai phe trong thế chiến thứ 2 đều cho binh sĩ dùng thuốc này để họ tỉnh táo hơn. Toán không quân Nhật kamikaze cảm tử từng được cho dùng liều cao methamphetamine trước khi ra trận. Thuốc này được phát tán sau chiến tranh ở Nhật và gây một dịch nghiện thuốc. Sau đó thuốc được dùng trong y khoa để làm sụt cân (diet) và chữa bịnh trầm cảm. Trong thập niên 1970, chính phủ Mỹ quyết định cấm dùng methamphetamine , chỉ trừ những trường hợp ngoại lệ. Trong thập niên 1990, các tập đoàn Mễ Tây Cơ (drug cartel) tổ chức sản xuất thuốc này ào ạt tại California và phân phối khắp nước Mỹ và Châu Âu. Ở Mỹ, methamphetamine dạng tinh thể (crystal methamphetamine, crystal meth)) có các tên lóng sau đây: Blade, Crystal, Batu, Ice, Quartz, Glass.
Theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, sản xuất methamphetamine càng ngày càng gia tăng, với giá rẻ hơn. Thuốc phát xuất từ vùng “Tam giác vàng”, nằm ở biên giới chung của Miến Điện, Trung Quốc, Lào và Thái Lan.
Methamphetamine (“meth”) thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc kích thích tâm lý vận động” (psychomotor stimulants). Căn bản, nghĩa là bằng cách tác dụng gia tăng mức dẫn truyền thần kinh như dopamine, norepinephrine, serotonin các hiệu ứng meth trên não bao gồm các chức năng kiểm soát chuyển động (movement control) cũng như tình trạng sức khỏe tinh thần và trạng thái quân bình của các cảm xúc.
Kết quả là, người dùng thuốc này ở liều lượng lớn có thể bắt đầu cảm thấy “phê” (high) và ngất ngây, và có thể nhiều lời, lắm mồm và bồn chồn, mất bình tĩnh. Ngoài ra, họ cũng sẽ cảm thấy dễ tập trung và tỉnh táo hơn, và những cảm giác này có thể kéo dài hàng giờ, không giống như người lạm dụng cocain mà hiệu ứng chỉ kéo dài trong 30-60 phút. (Khi lạm dụng “crack” tác dụng còn ngắn hơn. Crack là cocain được chế biến bằng cách nấu với sodium bicarbonate để có thể hút được, chỉ sau 8 giây là qua màng phổi, đi vào máu, vào đến não, tạo nên khoái cảm rất nhanh, cao hơn nhưng ngắn hơn cocain thường).
Vì lạm dụng amphetamines cho cảm giác sung sức, tăng năng lượng và tỉnh táo hơn, cho nên có khả năng gặp những tác động tiêu cực của những cảm giác này. Một khi khoái cảm “phê” (high) ban đầu bắt đầu biến mất, người dùng thuốc sẽ bắt đầu cảm thấy lo lắng, sợ hãi và có cảm giác bị theo dõi, bức hại (paranoia). Những cảm giác này xảy ra do có sự tích tụ mạnh mẽ của các chất dẫn truyền thần kinh nói trên trong não bộ, và vì trải nghiệm về khả năng tập trung (focus) với cường độ của não bộ chỉ kéo dài trong thời gian giới hạn, sau đó sự lo lắng và hoang tưởng sẽ theo sau.
Với việc sử dụng lặp đi lặp lại, thuốc có thể kích hoạt một tình trạng gọi là “kích động tâm lý vận động” (psychomotor agitation, chỉ những chuyển động cơ thể ngẫu nhiên không có mục đích cụ thể hoặc ngoài ý muốn). Người sử dụng methamphetamine có thể co giật không kiểm soát và chuyển động giật hoặc lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến các cơ của toàn thân hoặc trên khuôn mặt. Bịnh nhân cũng có thể quơ tay chân và thân thể họ có thể vặn mình uốn éo một cách hỗn loạn.
Kích động tâm lý vận động (psychomotor agitation) có thể làm cho những người trải nghiệm nó khổ sở và những người xung quanh lo ngại.
Người đang trải qua cơn kích động, nhận thức được những cử động ngoài ý muốn này của mình, họ biết rằng người khác đã nhận thấy những động tác đó, điều này có thể làm họ khổ sở thêm và gia tăng tình trạng lo âu, kích động.
Người trải nghiệm tình trạng kích động có thể cảm thấy mình không thể ngồi yên, có cảm giác cơ thể họ cứng lại, họ không thể làm sao giảm bớt tình trạng căng thẳng, họ tuyệt vọng không tìm một thế thoải mái, càng lúc càng lo lắng, như thể các suy nghĩ chay qua nhanh không kiểm soát được (racing thoughts), họ muốn khóc, bực tức, cáu kỉnh.
Những cảm giác này có thể khiến họ đi vòng vòng trong một căn phòng, vắt tay, gõ nhịp ngón tay, gõ nhịp bàn chân, bồn chồn, bắt đầu một việc nào đó và dừng đột ngột, nói rất nhanh, vô cớ di chuyển đồ vật xung quanh, cởi quần áo ra rồi mặc lại.
Tuy nhiên, một số người bị kích động có những hành vi này ở mức không kiểm soát được, không có mục đích, có vẻ điên cuồng, những hành vi lặp đi lặp lại, rất nhanh, co giật, bực bội.
Những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi kích động tâm lý vận động có thể hành xử theo cách có thể gây hại cho cơ thể của họ, như cắn môi đến chảy máu, tách lột da ra khỏi môi, ra khỏi móng tay, nhai, cắn vào thịt trong má của họ. Báo chí tại Việt Nam thường kể những chuyện bịnh nhân nghiện “đá” tự huỷ hoại thân thể như đốt chảy bao nylon rồi cho nhỏ lên da mình, tự cắt đứt bộ phận sinh dục, hay đâm chém, giết người kể cả người trong gia đình vì họ cảm thấy bị đe doạ, bị ma quỷ ám.
Bác sĩ có thể dùng những thuốc giúp ổn định tính khí (mood stabilizer) cho bệnh nhân, chống co giật và sau đó giúp tẩy độc cho bịnh nhân. Theo báo Vietnam Express, Việt nam bắt đầu dùng thuốc men như D-amphetamine, methylphenidate, bupropion (thuốc chống trầm cảm), mirtazapine (Remeron, thuốc chống trầm cảm), naltrexone (thường dùng để cai nghiện rượu hay ma túy/opioid) kèm với tâm lý trị liệu để chữa những người nghiện “thuốc tổng hợp” (synthetic drugs) như methamphetamine, làm giảm số lượng meth bịnh nhân cần và điều trị các ảo giác do thuốc gây ra. Theo báo này, trước đây ở Việt Nam chỉ dùng tâm lý trị liệu mà thôi.(2)
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khám nghiệm xem bịnh nhân có những ngộ độc khác kèm theo không (do những chất khác được pha thêm vào meth/”đá”), xem người bịnh có bị những bịnh nhiễm như HIV, viêm gan B,C (thường truyền qua tính dục hay ống chích) hay không.