Cách nhận biết fake news dựa trên tâm lý người dùng mạng xã hội thường bị dẫn dắt dễ dàng như thế nào, bất chấp nguồn gốc thông tin ra sao.
Cụ thể các dạng fake news:
– Dự báo đại thảm họa tương lai
– Những hình ảnh thương tâm
– Những phương pháp trị bệnh nan y không dùng thuốc
– Những câu chuyện chính trị mang tính kích động
– Những câu chuyện phanh phui đời tư người nổi tiếng
– Những câu chuyện “quá” thú vị kể về những sự trùng hợp hiếm có
– Những khuyến mãi hời với cách tham gia dễ dàng
Khi bắt gặp những nội dung trên bạn cần tỉnh táo kiểm chứng tính hư thực của chúng trước khi tin tưởng và chia sẻ. Một số chi tiết liệt kê dưới đây có thể giúp bạn nhận ra fake news (dựa theo khuyến cáo của Facebook):
Tin mang những dòng tít khả nghi
Tin giả mạo ngoài việc dùng lời lẽ gây sốc thường in hoa cả tít và đưa thêm nhiều dấu chấm cảm thán kiểu !!!,!!???
Tin có địa chỉ trang web khác thường
Tin giả mạo thường được đăng trên những trang web có địa chỉ trang web kỳ quặc, vô nghĩa… Khi click vào trang này sẽ hiện lên nhiều mẩu quảng cáo hoặc dẫn dắt sang nhiều trang web khác với những đường link liên kết tới những nội dung không trong sáng (khiêu dâm, game, bạo lực…), nhiều trang còn đòi hỏi bạn phải nhập thông tin các nhân, đăng ký số điện thoại… Các bài viết trên những trang web này cũng đều có nội dung gây sốc như liệt kê ở trên.
Tin không ghi rõ nguồn gốc
Những câu chuyện giật gân giả mạo thường không ghi rõ nguồn gốc hoặc nếu có thì độc giả nên tranh thủ truy nguyên nguồn gốc bằng công cụ tìm kiếm Google. Các tin tức có tầm ảnh hưởng quan trọng toàn cầu kiểu như “tuyên bố của NASA”, “Bill Gates bị cáo buộc…”, “Dịch bệnh ở Somali”, “Thị trường chứng khoán sụp đổ”… nếu có chắc chắn sẽ được những cơ quan thông tấn uy tín chính thống trên thế giới đăng tải, các hãng truyền thông lớn trong nước cũng sẽ đồng thời dẫn dịch và đưa tin. Người dùng cũng nên tập thói quen lọc chọn trang tin để đọc thay vì chỉ chăm chú đến nội dung.
Tin có định dạng kỳ quặc
Những trang tin vặt thường có định dạng kém chuyên nghiệp, màu mè, sai nhiều lỗi chính tả và văn phong lủng củng.
Tin có hình ảnh không tự nhiên
Các tin sốc thường can thiệp chỉnh sửa hình ảnh hoặc video. Một số hình ảnh có thể là thật nhưng bị mang ra khỏi ngữ cảnh. Độc giả khi nghi ngờ có thể dùng công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google (https://images.google.com) để kiểm chứng lại những bức ảnh ấy từng xuất hiện trong các ngữ cảnh nào.
Tin với ngày đăng lạc hậu
Nhiều câu chuyện gây sốc đã từng xảy ra nay được đổi ngày hoặc chia sẻ lại kiểu như tin tăng giá xăng, thảm họa…
Tin khoa học không dẫn nguồn tham khảo
Đặc biệt với những bài viết liên quan đến sức khỏe, ngoài việc đòi dẫn nguồn chính xác, người đọc cần đòi hỏi tác giả đưa ra những căn cứ khoa học. Cần nhận thức rõ ràng rằng kiến thức y khoa không phải dễ dàng áp dụng, nó đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu và điều kiện áp dụng. Nếu quá dễ dàng chữa các bệnh nan y theo kiểu dân gian thì Việt Nam đã đầy rẫy người nhận giải Nobel y học rồi.
Vì tin tức giả mạo suy cho cùng là nhằm trục lợi hoặc gây chia rẽ, đánh vào lòng tham hoặc sự đố kỵ của con người, nên khi đọc bất cứ tin tức nào, chúng ta cũng cần có tư duy phản biện theo kiểu: “Sao lại có thể đơn giản dễ dàng như vậy?”, “Sao chỉ có trang này đăng?”, “Sao lại có những món hời như vậy?”…
Từ đó chúng ta bình tĩnh kiểm chứng lại tính chân thực của tin tức theo những gợi ý bên trên./.