Chuyện tình nhà thơ Xuân Quỳnh nhiều éo le và trắc trở. Hơn Lưu Quang Vũ sáu tuổi, từng có một đời chồng và con riêng, Xuân Quỳnh bị mẹ và chị gái Lưu Quang Vũ phản đối gay gắt.
Xuân Quỳnh (1942-1988), là một nhà thơ nữ Việt Nam. Bà được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa… Bà được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học nước nhà.
Bà tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, chị gái đi học ở cùng bố và dì, Xuân Quỳnh được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Do hoàn cảnh khó khăn nên khi còn nhỏ Xuân Quỳnh chịu nhiều thiếu thốn. Bữa cơm của cô bé Xuân Quỳnh khi ấy chỉ là những đĩa rau hái vội, khi nào sang lắm thì có tấm đậu phụ; mùa đông cũng không đủ chăn ấm.
Dù chỉ học hết tiểu học, nhưng tuổi thơ của Xuân Quỳnh đẹp nhất là khi được tới trường. “Quỳnh đi học từ làng ra trường ở Hà Đông là 3km với đôi chân đất, đội mưa nắng đi về một mình thui thủi”, chị gái Xuân Quỳnh là Đông Mai kể lại.
Cuộc đời Xuân Quỳnh có lẽ sẽ mãi khuất sau lũy tre làng nếu không có sự kiện năm 1954. Năm ấy, quân giải phóng về làng, buổi tối, các anh giải phóng quân tập trung hát rất vui. Xuân Quỳnh nép sau cánh cửa nghe lẩm nhẩm hát theo. Năm sau, khi đoàn văn công về tuyển, Xuân Quỳnh mạnh dạn thi và trúng tuyển vào đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, được đào tạo thành diễn viên múa.
Cuộc đời Xuân Quỳnh sang trang khác từ khi vào đoàn văn công. Bà tự học tiếng Pháp, tự đọc sách để trau dồi kiến thức văn hóa, nhiều lần theo đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài. Đông Mai kể, thời thiếu nữ Xuân Quỳnh đẹp có tiếng, nhiều bạn trai học cùng tranh nhau đưa Đông Mai về để có thể tiếp cận cô em gái.
Hoạt động trong đoàn văn công, Xuân Quỳnh thích đọc sách văn học và làm thơ. Khóa học bồi dưỡng những người viết văn trẻ từ năm 1962 đến 1964 đưa cuộc đời Xuân Quỳnh rẽ về phía thi ca. Sau khi học xong, Xuân Quỳnh làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Từ một nghệ sĩ đi biểu diễn sôi nổi khắp nơi, Xuân Quỳnh chuyển sang làm báo lặng lẽ.
Trước khi đến với Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã có một đời chồng và một là nghệ sĩ violin Lưu Tuấn và con trai nhỏ Lưu Tuấn Anh. Theo lời kể của nghệ sĩ Lưu Tuấn, Xuân Quỳnh bỏ ông đến với Lưu Quang Vũ. Ông không trách vợ vì hiểu rằng hai người không hợp nhau. Sau khi ly hôn, do hai người cùng sống chung (người tầng trên, người tầng dưới) ở khu tập thể ở 96 phố Huế (Hà Nội), nên Xuân Quỳnh vẫn chăm lo được cho con trai và quan hệ giữa hai người vẫn tốt. Nghệ sĩ không tái hôn mặc dù Xuân Quỳnh và chị gái nhiều lần mai mối cho ông. Gia đình nhà văn Lưu Quang Vũ cũng chung tập thể với Xuân Quỳnh, nên khi Lưu Quang Vũ ly dị vợ, vợ chồng ông chỉ ngăn vách chia nhà.
Hơn Lưu Quang Vũ sáu tuổi, từng có một đời chồng và con riêng, Xuân Quỳnh bị mẹ và chị gái Lưu Quang Vũ phản đối gay gắt. Họ cho rằng hai người là nghệ sĩ, đều trải qua “một lần đò”, sẽ khó đi đến kết cục tốt đẹp khi ở bên nhau. Bà Khánh quyết liệt phản đối và nói thẳng: “Tôi không bao giờ chấp nhận mối tình này”. Bố Lưu Quang Vũ – nhà viết kịch Lưu Quang Thuận – lại ủng hộ. Ông nhờ nhiều bạn bè như nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thành Long đến thuyết phục bà xã. Dần dà, bà nguôi ngoai và đồng ý để hai con đến với nhau.
Nhà viết kịch Ngọc Thụ kể ở cơ quan – Tạp chí Sân khấu, Lưu Quang Vũ chịu nhiều đàm tiếu vì kết hôn với đàn chị. Trước khi nên vợ chồng, Xuân Quỳnh là bạn thơ của ông Lưu Quang Thuận. Nữ sĩ gọi bố, mẹ Lưu Quang Vũ là “anh, chị” nên Quang Vũ từng có thời gọi vợ là “cô”. Bạn bè, đồng nghiệp nói ra nói vào khiến Lưu Quang Vũ ngại ngùng, khép mình hơn. Hai người lặng lẽ vượt qua điều tiếng, ở bên nhau hơn chục năm.
Trong ký ức của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ, chị dâu là người tình cảm, biết trân trọng gia đình chồng. Về làm dâu một thời gian, nữ sĩ viết Mẹ của anh để cảm ơn ân tình của nhà chồng. Bà Khánh sau này thương con dâu vì tính tình đảm đang, tháo vát, luôn quán xuyến, chăm lo cho chồng con. Chỉ đến tối muộn, Xuân Quỳnh mới có thời gian sáng tác.
“Trong thời gian dài, chị Quỳnh không bao giờ ăn cơm trước chồng. Chị cho các con ăn sớm, học bài, đi ngủ rồi đợi anh về. Một lần, anh Vũ về muộn vì ăn cơm với bạn bên ngoài, chị dọn mâm cơm rồi lên giường đi ngủ. Đó là biểu hiện của sự hờn dỗi vì quá mức yêu chồng”, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ hồi tưởng.
Vợ chồng họ có ba con trai: Minh Vũ, Tuấn Anh, Quỳnh Thơ. Trong đó, Minh Vũ, Tuấn Anh lần lượt là con riêng của Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Quỳnh Thơ là con chung của hai người. NSƯT Lê Chức nhớ mỗi lần sang nhà bạn chơi, ông đều thấy Xuân Quỳnh ngồi trên cái chòi chông chênh giữa hai bờ lan can, vò những chậu quần áo của cả bốn bố con. Lưu Quang Vũ có viết trong bài thơ Và anh tồn tại: “Em ở đấy, đời chẳng còn đáng ngại/ Em ở đấy, bày tay tin cậy/ Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày”.
Khi ấy, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sống cùng ba người con: Tuấn Anh (con của Xuân Quỳnh với người chồng trước là nghệ sĩ Lưu Tuấn), Kít (Lưu Minh Vũ – con riêng của Lưu Quang Vũ với vợ đầu Tố Uyên), Mí (Lưu Quỳnh Thơ – con chung của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ).
Cả gia đình 5 người sống trong căn phòng 6 m2. Tối tối, Xuân Quỳnh nhường chồng chiếc bàn, còn bản thân thì trải giấy ra sàn mà viết. Buổi tối, cả nhà cùng ngủ trên sàn. Vì vậy, mong ước của Xuân Quỳnh là được ngủ trên giường. Về sau này, khi công việc của Lưu Quang Vũ khởi sắc, đời sống của gia đình dần tốt hơn, họ được phân một căn hộ mới ở Ngọc Khánh. Nhưng về nhà mới chưa được bao lâu thì tai nạn khốc liệt ập đến. Mong mỏi được ngủ trên giường mà Xuân Quỳnh tâm sự với chị gái vì thế vẫn chưa thành hiện thực.
Ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương Xuân Quỳnh đã ra đi mãi mãi cùng với chồng – Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ (13 tuổi). Sự ra đi đột ngột của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã khiến cho tất cả bạn bè, người yêu mến bất ngờ, hoảng loạn. Nhiều nghi vẫn được đặt ra xung quanh cái chết của cặp đôi tài hoa bạc mệnh này. Song theo NSND Doãn Châu người bạn có mặt trong chuyến đi định mệnh của họ thì tất cả chỉ là một tai nạn ngẫu nhiên và lấy đi của nền nghệ thuật nước nhà không phải hai mà là ba tài năng rực rỡ.