Có nên mơ ước để rồi vỡ mộng? Khi còn bé, tôi rất yêu thích động vật. Điều này không thay đổi khi tôi lớn lên.
Vì vậy, ngay khi có cơ hội tạm rời khỏi công việc nhà báo để làm tình nguyện viên ở một khu bảo tồn động vật hoang dã tại Tasmania trong ba tháng, tôi đã chớp lấy ngay mà không cần nghĩ ngợi. Tôi đã tin chắc rằng đây chính là công việc mà mình hằng mơ ước.
Thế nhưng thực tế khác xa so với những gì tôi tưởng tượng. Thay vì dành thời gian tìm hiểu từng loại động vật, tôi phải làm những công việc thường nhật trong cơn mưa mùa đông. Rất nhiều trong số này là công việc tay chân thuần tuý và thậm chí một số việc khiến tôi không khỏi đau lòng.
Rất nhiều động vật tại Tasmania, ví dụ như loài cầy túi, bị xe đụng và cần được chăm sóc để phục hồi. Tôi đã cho chúng ăn, chăm sóc chúng, tránh bị cắn, và dọn dẹp chuồng. Và khi chúng không qua khỏi, chúng tôi chôn cất chúng và cảm nhận rất rõ nỗi đau mất mát.
Thế nhưng công việc của tôi không chỉ liên quan tới động vật. Môt trong các nhiệm vụ của tôi là dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng – điều thực sự không phải là mơ ước của tôi.
Nhiều người có cùng trải nghiệm với tôi hơn bạn nghĩ. Chúng ta thường ít khi nghĩ về những điều nhàm chán đi kèm với công việc mơ ước và thường không nghĩ rằng công việc đó sẽ không thoả sự mong đợi của mình. Trên thực tế, những nhà tâm lý học có một tên gọi cho nó: “Dự đoán cảm tính”. Nó có nghĩa là chúng ta thường hy vọng một cách không thực tế rằng tương lai sẽ tốt hơn.
‘Dự đoán cảm tính’, theo Lisa A Williams, một giáo sư tâm lý học tại Đại học New South Wales, Sydney, là ‘cách mà người ta dự đoán về cảm xúc của mình’ trong một hoàn cảnh nhất định.
“Một ví dụ điển hình là về việc thắng xổ số. người ta cho rằng việc thắng xổ số sẽ mang lại cho họ niềm vui tột đỉnh. Tuy nhiên khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về mức độ hạnh phúc của những người thắng xổ số, họ nhận thấy niềm vui này mất đi khá nhanh,” bà nói.
Trong trường hợp của tôi, tôi đã để cảm xúc của mình vẽ nên một viễn cảnh tương lai tươi sáng, khi tôi được dành thời gian với động vật và không phải làm công việc chân tay. Mặc dù chúng ta thường được khuyến khích làm điều mình thích, thế nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như ta nghĩ.
Tự lừa dối bản thân
Đó cũng là trường hợp của Sue Arnold, 46 tuổi, người từ lâu muốn theo đuổi ngành khảo cổ học. Arnold, một trợ lý tài chính ở London, nói bà yêu những bộ phim kinh điển về vua Tutankhamen và cuộc đua khám phá những bí mật về mộ cổ của các pharaoh thời Ai Cập cổ đại.
Để thoả niềm đam mê, bà đã đăng ký để tham gia một chuyến khai quật di tích La Mã ở Dorset, Anh quốc.
Mặc dù biết rằng bà sẽ không làm thay đổi lịch sử nhờ khai quật được một kho báu nào đó, trải nghiệm này vẫn làm Arnold thất vọng.
“Đó quả là tuần lễ nhàm chán nhất cuộc đời tôi. Tôi chỉ làm sạch bụi trên những sàn gạch cũ màu nâu,” bà nói.
Mặc dù không hối hận về chuyến đi nói trên, bà vẫn nhận ra rằng mình không có đủ độ kiên nhẫn cho công việc khảo cổ. Mặc dù bà vẫn thích đọc về nó và dự định sẽ thăm Ai Cập, bà chỉ muốn được đơn thuần làm một khách du lịch.
Vì sao chúng ta không thể nhận ra rằng công việc nào cũng có điểm yếu của nó? Có lẽ việc tự lừa dối bản thân mình giúp ta có được động lực để hoàn thành công việc được giao, Elliot Berkman, phó giáo sư tâm lý học tại Đại hoc Oregon, Hoa Kỳ, nói. Và một yếu tố nữa đó là sự kỳ vọng của mỗi người.
“Con người ta thường không hạnh phúc như người ta nghĩ khi họ đạt được mục tiêu của mình. Một phần là vì họ không dự đoán trước những chi phí phát sinh kèm với những việc phụ đi kèm.”
Thế nhưng ngược lại, nếu bạn đã làm một công việc suốt 20 năm, bạn có thể cũng sẽ quên mất rằng mình đã đạt được tới vị trí ngày hôm nay vất vả thế nào. Liệu bạn có dám từ bỏ những gì mình đạt được để có một khởi đầu mới?
Sự thay đổi mới là điều làm chúng ta cảm thấy vui hay thất vọng, Berkman nói thêm.
“Bạn cần những trải nghiệm khác biệt để luôn cảm thấy hạnh phúc,” ông nói.
Vì vậy, không có gì là đáng ngạc nhiên khi chúng ta phải chuyển việc nhiều lần mới tìm được công việc mình yêu thích, Rachel Grieve, giảng viên cao cấp về tâm lý học tại Đại học Tasmania, nói.
“Hầu hết thời gian, chúng ta không đưa ra quyết định một cách có lý trí… Chúng ta thường dựa trên trực giác của mình.” bà nói.
“Cách này chỉ phù hợp với việc chọn món ăn trưa, thế nhưng khi quyết định những điều quan trọng hơn, ví dụ như thay đổi công việc, bạn sẽ cần xem xét mọi thứ một cách thận trọng và tỉ mỉ hơn.”
Yếu tố xã hội
Sự hài lòng trong công việc còn là do yếu tố xã hội, theo Giáo sư Alexander Haslam, từ trường tâm lý học, Đại học Queensland. “Nếu bạn là một bác sỹ, bạn có thể sẽ rất thích y dược, thế nhưng nếu bạn hành nghề trong một môi trường làm việc ‘độc hại’, bạn nhiều khả năng sẽ cảm thấy không hài lòng với công việc,” ông giải thích.
Đây là cảm giác mà nhiều người đang trải nghiệm sau khi học và làm việc vất vả để làm những nghề khó như luật sư. Công việc ‘mơ ước’ của họ không như họ mong đợi.
“Nó là một môi trường lạc hậu, quan liêu và vô cùng cạnh tranh,” Andrew Walker, người theo đuổi ngành luật sau khi tốt nghiệp đại học ở Sydney, nói.
“Tôi đã từng nghĩ rằng nghề luật là một nghề danh giá, thế nhưng giờ thì tôi cho rằng mình đã sai. Tôi muốn làm việc với những người năng động và làm những công việc ít căng thẳng hơn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tôi sẽ chuyển sang một việc khác mà tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ thích.”
Nghe trái tim mách bảo
Cá nhân tôi đã chọn quay về nghề nhà báo. Mặc dù tôi nhớ khoảng thời gian làm việc với động vật ở Tasmania, tôi nhận ra rằng mình không cần một công việc mới. Thay vào đó, tôi nghĩ mình cần sống gần với tự nhiên hơn và giao tiếp với những người có cùng sở thích.
Giờ đây, tôi sống ở gần một khu rừng tại vùng Blue Mountains của Úc, nơi có rất nhiều cảnh quan được liệt vào danh sách kỳ quan thế giới của UNESCO. Nơi đây chỉ cách Sydney vài tiếng đi xe và là một nơi tuyệt vời để đi dạo và ngắm động vật hoang dã.
Giờ đây, tôi chỉ mỉm cười mỗi khi nhìn thấy một mẩu quảng cáo trên báo, mời độc giả đến trải nghiệm một ngày làm người trông coi sở thú. Giấc mơ và công việc đôi lúc là hai điều khác nhau hoàn toàn.
Đến đây, hy vọng bạn tự có câu trả lời có nên mơ ước để rồi vỡ mộng?