Sữa là một thức uống kỳ quặc. Đó là chất lỏng do bò hoặc các loài động vật khác dùng để nuôi con; chúng ta lấy sữa bò bằng cách vắt sữa từ bầu vú bò mẹ.
Trong nhiều nền văn hóa, đây là điều chưa từng nghe nói.
Hồi năm 2000, Trung Quốc khởi động chiến dịch toàn quốc, khuyến khích mọi người sử dụng sữa và sản phẩm từ sữa nhiều hơn nhằm nâng cao sức khỏe. Ở nước này, người cao tuổi rất nghi ngờ tác dụng của sữa. Phô mai, về cơ bản là sản phẩm làm từ sữa lên men, là thứ khiến nhiều người Trung Quốc thấy kinh tởm.
Trong lịch sử 300.000 năm của loài người, uống sữa là thói quen mới xuất hiện.
Khoảng 10.000 năm trước, rất hiếm người uống sữa, mà cũng chỉ uống trong những dịp hiếm hoi. Những người đầu tiên thường xuyên uống sữa là nông dân và những người chăn nuôi gia súc ở Tây Âu. Họ là một trong số những người đầu tiên sống với động vật mà con người thuần hóa, trong đó có bò.
Ngày nay, uống sữa là chuyện phổ biến ở Bắc Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác.
Có một lý do sinh học khiến việc uống sữa động vật là chuyện kỳ quặc.
Trong sữa có một loại đường gọi là lactose, khác với các loại đường có trong trái cây và các loại thực phẩm ngọt khác.
Ở trẻ sơ sinh, cơ thể tạo ra một loại enzyme đặc biệt gọi là lactase, khiến ta hấp thụ được lactose có trong sữa mẹ.
Sau khi trẻ cai sữa, với nhiều người, cơ thể từ đó tới lúc trưởng thành cho đến cuối đời sẽ không còn tiết ra loại enzyme này nữa.
Không có lactase, ta không thể tiêu hóa được lactose trong sữa một cách bình thường. Kết quả là nếu một người lớn uống rất nhiều sữa, họ có thể bị đầy hơi, trướng bụng, đau bụng và thậm chí bị tiêu chảy. (Lưu ý rằng các loài động vật có vú khác trong cơ thể cũng không tạo lactase một khi đã trưởng thành – bò trưởng thành không tiết ra lactase; chó mèo cũng vậy).
Vì vậy, có lẽ là những người Châu Âu đầu tiên uống sữa có lẽ đã trung tiện rất nhiều.