Đất hiếm gồm có 17 nguyên tố, đều là những nguyên tố dạng hiếm có trong bảng tuần hoàn hóa học. Vậy đất hiếm có độc không?
17 nguyên tố đất hiếm
Đất hiếm (rare earth) là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Tuy nhiên, trong nhóm nguyên tố đất hiếm có những nguyên tố có hàm lượng trong vỏ Trái đất còn cao hơn cả bạc và chì.
Nhóm nguyên tố đất hiếm gồm 17 nguyên tố chia làm hai nhóm:
Nhóm nặng gồm 10 nguyên tố: Dysprosium (Dy), Erbium (Er), Europium (Eu), Gadolinium (Gd), Holmium (Ho), Lutetium(Lu). Terbium (Tb), Thulium (Tm), Ytterbium (Yb), Yttrium (Y).
Nhóm nhẹ gồm 07 nguyên tố: Cerium (Ce), Lathanium (La), Neodymium(Nd), Praseodymium (Pr), Promethium (Pm), Samarium (Sm) và Scandium (Sc).
Trong vỏ Trái đất có hơn 10 khoáng vật chứa nguyên tố đất hiếm, trong đó có ý nghĩa là nguồn chính của đất hiếm là các khoáng vật BASTNAESITE (Ce, La, Y…) , CO3(f,OH)3 và MONAZITE (Ce, La, Nd, Th, Y…) (PO4, SiO4)3.
Độc hại không?
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thành phần hóa học của đất hiếm còn có chứa các nguyên tố có tính phóng xạ mà quá trình khai thác, chế biến đất hiếm có thể làm phát tán ra môi trường vượt quá giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật.
Thành phần các nguyên tố có tính phóng xạ và liều lượng chiếu xạ tại mỗi khu vực có quặng đất hiếm sẽ khác nhau; mức độ phát tán các nguyên tố độc hại và có tính chất phóng xạ trong quá trình khai thác, chế biến quặng đất hiếm phụ thuộc vào quy trình kỹ thuật và công nghệ khai thác, chế biến.
Như vậy, để khẳng định đất hiếm có phải là khoáng sản độc hại hay không phụ thuộc vào kết quả đo, phân tích mẫu để xác định thành phần các nguyên tố có tính phóng xạ cũng như mức độ và liều lượng phóng xạ phát tán ra môi trường trong quá trình khai thác, chế biến đất hiếm tại mỗi khu vực khai thác, chế biến đất hiếm khác nhau theo đúng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Trữ lượng đất hiếm
Trung Quốc (27 triệu tấn chiếm 30,6% của thế giới).
Mỹ (13 triệu tấn chiếm 14,70%).
Australia (5,2 triệu tấn).
Ấn Độ (1,1 triệu tấn)…
Ở Việt Nam, đất hiếm có trữ lượng khoảng 17 – 22 triệu tấn, đứng thứ 3 trên thế giới, phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc như: Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa vào đến Bà Rịa, Vũng Tàu.
Công dụng của đất hiếm
17 nguyên tố trong đất hiếm đặc biệt vì chúng có nhiều tính chất vật lý khó tin. Chúng tạo ra nhiều công dụng kỳ diệu khi kết hợp với những nguyên liệu thông thường khác. Chẳng hạn, Europium là nguyên tố giúp con người biến tivi đen trắng thành tivi màu, Erbium được đặt vào các sợi cáp quang truyền dữ liệu để ánh sáng trong cáp di chuyển xa hơn.
Một số nguyên tố trong đất hiếm được dùng để sản xuất những nam châm nhỏ hơn song mạnh hơn dành cho ô tô, ổ đĩa máy tính, máy phát điện, động cơ và cả hệ thống dẫn đường cho tên lửa. Nhiều nguyên tố khác làm tăng khả năng chịu nhiệt của các cánh quạt trong động cơ phản lực và làm tăng độ sáng của các ống nhòm hồng ngoại (dùng để quan sát trong đêm).