Đo độ mờ da gáy vào tuần từ 11-14 thai kỳ, giúp bác sĩ chẩn đoán sớm nhất nguy cơ mắc hội chứng down cho thai nhi hay không. Nếu không đo độ mờ da gáy có sao không?
Đo độ mờ da gáy là xét nghiệm sàng lọc đầu tay để tầm soát bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi. Các thế hệ trước, do điều kiện kinh tế cũng như trình độ phát triển của khoa học công nghệ nên các thai phụ không siêu âm hay thực hiện các xét nghiệm như đo độ mờ da gáy.

Hiện nay, với phương tiện, thiết bị hiện đại, và hầu như ở địa phương nào cũng có dịch vụ siêu âm thai với giá cả không quá đắt đỏ (siêu âm 2D khoảng 200 ngàn đồng, siêu âm 4D khoảng 400 ngàn đồng) nên các thai phụ không nên bỏ qua ba kỳ siêu âm thiết yếu trong thai kỳ gồm: siêu âm độ mờ da gáy (tuần 11-14); siêu âm hình thái học (tuần từ 18-22); siêu âm đánh giá tăng trưởng của thai (tuần 30-32).
Trong đó, siêu âm độ mờ da gáy là kỳ siêu âm quan trọng đầu tiên. Thai phụ có thể lựa chọn không siêu âm đo độ mờ da gáy, nhưng nên nhớ rằng rủi ro có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhất là khi môi trường sống ngày càng ô nhiễm hơn.
Độ mờ da gáy là khoảng tích tụ dịch dưới da vùng sau gáy của thai nhi, được đo bằng siêu âm từ tuổi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, hoặc khi thai nhi có chiều dài đầu mông từ 45mm đến 84mm.
Tất cả các em bé khỏe mạnh đều có lớp dịch ở sau gáy này, nhưng thai nhi mắc hội chứng Down và một số hội chứng bất thường nhiễm sắc thể khác có lớp dịch này tăng cao hơn bình thường. Đó là lý do vì sao siêu âm đo độ mờ da gáy được dùng để giúp sàng lọc bệnh Down.
Nếu ta thực hiện đo độ mờ da gáy khi thai nhi đã quá 14 tuần thì kết quả độ mờ da gáy lại trở về bình thường (nhưng điều này không có nghĩa là thai nhi bình thường), như vậy sẽ mất đi ý nghĩ của kết quả đo.
Vì vậy, việc thực hiện xét nghiệm đo từ tuần 11 đến tuần 14 là vô cùng quan trọng nên các mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý mốc thai kỳ này.