Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì rối loạn, có người quá ít, người khác lại quá nhiều, chu kỳ có thể quá ngắn hoặc quá dài. Điều này có đáng lo không và có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản về sau không?
Kinh nguyệt là một đặc điểm sinh lý riêng của phụ nữ, sự xuất hiện của kinh nguyệt là dấu hiệu của sự phát triển hoàn thiện của hệ sinh dục nữ. Do sự thay đổi của lượng hormone, chảy máu vùng hạ vị xảy ra vào một thời điểm cố định hàng tháng.
Hầu hết các thành phần của kinh nguyệt là máu, nội mạc tử cung và chất thải độc tố của cơ thể. Sự xuất hiện của kinh nguyệt sẽ giúp các bạn nữ cải thiện chức năng và tăng cường trao đổi chất của cơ thể.
Vào 1 – 2 năm đầu thì kinh nguyệt của các bé gái chưa ổn định do các hormon sinh dục và vùng dưới đồi chưa hoàn chỉnh. Hiện tượng đó được gọi là rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì. Cụ thể:
- Thời gian của chu kỳ kinh nguyệt: thông thường, mỗi người con gái có độ dài kinh nguyệt khoảng 1 tháng hoặc từ 21 – 35 ngày, thậm chí có trường hợp rối loạn đến nửa năm sau mới xuất hiện lần hành kinh tiếp theo. Khoảng thời gian giữa 2 kỳ kinh liên tiếp phụ thuộc vào sức khoẻ và thể trạng của mỗi người.
- Lượng máu: lượng máu của kinh nguyệt tuổi dậy thì cũng thường không ổn định. Có lúc thì rất ít chỉ dưới 20 ml, nhưng cũng có lúc vượt ngưỡng 70 ml.
- Số ngày hành kinh: số ngày kinh của các bé gái cũng thay đổi thất thường có khi thì chỉ 2 ngày là kết thúc, khi thì 7 – 15 ngày.
Nguyên nhân kinh nguyệt ở tuổi dậy thì rối loạn
Nữ giới bắt đầu có hiện tượng kinh nguyệt khi bước vào tuổi dậy thì, từ 12 – 16 tuổi. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành cho nữ giới. Khi bắt đầu có kinh nguyệt có nghĩa là các cơ quan trong hệ thống sinh sản bao gồm buồng trứng, vòi trứng, tử cung đang bắt đầu đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, rất nhiều bé gái sẽ gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. Điều này có thể xảy ra trong một vài tháng hoặc một vài năm đầu khi có kinh nguyệt.
Nguyên nhân kinh nguyệt ở tuổi dậy thì rối loạn có thể là do:
Thay đổi nội tiết
Các cơ quan trong cơ thể bé gái ở tuổi dậy thì chưa hoàn thiện, chức năng điều hòa nội tiết của cơ thể chưa phát triển hoàn toàn. Buồng trứng mới chỉ đi vào hoạt động và chưa có trứng rụng thường xuyên. Vì vậy rất dễ gây ra rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì.
Sau một thời gian, khi nội tiết trong cơ thể ổn định, hàng tháng đều có trứng rụng thì kinh nguyệt cũng sẽ dần ổn định.
Hormone sinh dục
Hormone sinh dục có được tiết ra bình thường hay không cũng quyết định trực tiếp đến việc kinh nguyệt không đều hay không. Vì thể chất mỗi người là khác nhau, thể trạng và tâm lý của mỗi người khi dậy thì sẽ tác động rất lớn đến hormone sinh dục trong cơ thể. Điều này gây rối loạn tạm thời chức năng trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng dẫn đến hiện tượng vô kinh thứ phát tuổi dậy thì.
Môi trường và điều kiện sống
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì cũng có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường sống. Các bé gái tuổi mới lớn do áp lực học tập quá mức dẫn đến trạng thái căng thẳng sẽ làm rối loạn hoạt động của tuyến yên từ đó dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Mất cân bằng dinh dưỡng cũng là nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do nhiều bạn gái ở tuổi vị thành niên ăn uống quá độ hoặc không chú ý đến chế độ ăn uống của mình gây ảnh hưởng lớn đến kinh nguyệt.
Những triệu chứng khi bị rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Phần lớn các bé gái ở tuổi dậy thì đều chưa hiểu rõ về chu kỳ kinh nguyệt và không biết như thế nào là rối loạn kinh nguyệt. Dưới đây là một số triệu chứng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì mà các bạn nữ thường gặp nhất khi mới có kinh.
Kinh nguyệt đến sớm
Kinh nguyệt đến sớm nghĩa là chu kỳ kinh nguyệt bị rút ngắn đột ngột vào một tháng bất kỳ nào đó, lượng máu kinh bình thường. Chu kỳ kinh có thể ngắn hơn 21 ngày và xảy ra trong một hoặc một vài tháng liên tục.
Tình trạng này xảy ra là do rối loạn chức năng phóng noãn, giai đoạn nang trứng ngắn hơn 8 ngày hoặc giai đoạn hoàng thể dưới 10 ngày.
Chậm kinh
Ngược lại với tình trạng kinh nguyệt sớm là bị chậm kinh, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 30 ngày. Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì này có thể xảy ra trong nhiều tháng liên tục với lượng máu kinh bình thường.
Kinh nguyệt kéo dài
Chu kỳ kinh nguyệt và lượng máu kinh bình thường nhưng ngày hành kinh kéo dài hơn 7 ngày, thậm chí là 2 tuần. Tình trạng này còn được gọi là rong kinh.
Ra máu giữa chu kỳ kinh
Là hiện tượng chảy máu đột ngột giữa hai chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Hiện tượng này là do sự suy giảm nồng độ estrogen trong thời gian ngắn làm cho nội mạc tử cung mất đi sự hỗ trợ của các hormone. Sau khi nội mạc tử cung mất đi sự hỗ trợ, nội mạc tử cung sẽ bong ra và có thể gây chảy máu.
Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì rối loạn có đáng lo không?
Đối với các bạn tuổi teen thì việc rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là điều hết sức bình thường. Chính vì vậy các bạn ở độ tuổi mới lớn không cần quá lo lắng về việc kinh nguyệt không đều.
Nếu hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì không kèm theo triệu chứng bất thường, chỉ cần giữ tâm lý thoải mái, chế độ làm việc và nghỉ ngơi, ăn uống khoa học.
- Chế độ ăn uống cân bằng: Ăn ít thức ăn ngọt hoặc mặn, càng ít thức ăn có chứa cafein càng tốt, tránh xa rượu bia. Ăn nhiều rau, trái cây, thịt gà, cá, uống đủ nước mỗi ngày.
- Giữ ấm: Giữ ấm cơ thể sẽ đẩy nhanh quá trình lưu thông máu và thư giãn các cơ, nên uống nhiều nước nóng hoặc đặt túi chườm nóng lên bụng trong vài phút.
- Tập thể dục nhiều hơn: Các bạn nữ trong độ tuổi dậy thì nên xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục để duy trì sức khỏe. Đặc biệt là trong vài ngày trước khi hành kinh, đi bộ hoặc tham gia các bài tập thích hợp khác sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong kỳ kinh nguyệt, giảm bớt căng thẳng.
- Chú ý vệ sinh sạch sẽ: Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trong những ngày hành kinh để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm, thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần.
- Bổ sung khoáng chất: Để cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì, các bạn nữ nên bổ sung các khoáng chất như canxi, kali và magie.
Sau khi các cơ quan sinh sản của cơ thể đã trưởng thành và hoàn thiện, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt sẽ biến mất.
Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý phụ khoa nếu có kèm theo các biểu hiện bất thường như:
– Máu kinh ra nhiều hơn mức bình thường, đau bụng kinh dữ dội.
– Đau nặng hơn khi hành kinh, máu kinh ra nhiều và có dịch đặc sệt, mùi hôi.
– Máu kinh có màu nâu hoặc đen.
– Không có kinh trong hơn 5 tháng.
Trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì xảy ra thường xuyên và kèm theo những dấu hiệu bất thường trên thì các bạn nữ nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh việc tư vấn về tình trạng kinh nguyệt không đều, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra, thăm khám để xem có dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh sản hay không.