Lịch xuất phát từ đâu? Nhờ có lịch, con người mới có thể tính toán và ghi lại thời gian.
Mỗi ngày, mặt trời mọc rồi lặn, tạo nên khoảng thời gian liên tiếp nhau. Chính vì sự sống của loài người liên quan tới mặt trời nên chuyển động của mặt trời đã ảnh hưởng tới con người. Người thời cổ đã ghi lại các lần xuất hiện của mặt trời bằng cách khắc vào các cột gỗ hay đánh dấu trên vách đá trong các hang động.
Ngoài mặt trới chiếu sáng ban ngày, còn có mặt trăng soi sáng ban đêm. Người thời cổ thấy rằng cứ sau 30 ngày lại có một lần trăng tròn và các khoảng thời gian hai lần trăng tròn liên tiếp nhau không hề thay đổi.
Đối với người cổ xưa, việc ghi lại các hoạt động của họ đối với các lần trăng tròn trở nên dễ dàng hơn là đối với mặt trời. Vì vậy các nhà thông thái sống trong các bộ lạc cổ đã làm ra thứ lịch căn cứ vào các tuần trăng. Rồi dần dần con người thâu thập được các kiến thức và các nhà thông thái trong bộ lạc trở nên những người lãnh đạo về tôn giáo, họ là những tu sĩ đầy quyền lực và được mọi người kính trọng vì học vấn, vì pháp thuật… Các tu sĩ này nghiên cứu các vì sao trên trời để rồi tiên đoán những thay đổi bốn mùa một cách khá chính xác. Cũng vì thế chúng ta có thể nói rằng lịch và môn Thiên Văn Học đã tới với cuộc sống của con người cùng một lúc.
Vậy lịch là thứ bảng để tính thời gian cũng như để đánh dấu thời gian. Đó là một hệ thống ghi lại thời gian bằng cách chia thời gian ra làm ngày, tuần, tháng, mùa, năm… Sau này, người ta còn tìm cách thêm vào lịch các chi tiết cần thiết như những ngày lễ, những ngày hội hè, các tin tức thiên văn như tuần trăng, giờ mặt trời mọc và lặn, các ngày có nhật thực và nguyệt thực, các dữ kiện về thủy triều…
Danh từ “Lịch” theo tiếng Pháp được gọi là “calendrier”, bắt nguồn từ chữ Calendes và chữ này dùng để chỉ định ngày đầu tiên trong tháng của người La Mã. Vào thời xa xưa tại thành phố Rome, vị giáo trưởng (Pontife) tụ tập dân chúng vào các ngày đầu tháng để phổ biến các ngày lễ trong tháng.
Một danh từ khác để chỉ lịch là Almanach. Tên gọi này xuất phát từ vùng Cận Đông, chữ Al là một giới từ trong khi tiếng cổ Do Thái (Hébreux) “manah” có nghĩa là “đếm”. Người ta còn nghĩ tới chữ “man” và gốc chữ này chỉ mặt trăng vì lịch cổ xưa đều tính toán liên quan tới mặt trăng.
Thứ lịch cổ xưa nhất là Stonehenge, một di tích tại nước Anh. Người thời cổ của vùng đất này đã xếp đặt hai tảng đá sao cho đúng vào ngày hạ chí, bóng mát của tảng đá thứ nhất in chùm lên tảng đá thứ hai. Chắc hẳn giống người này phải là một dân tộc tôn thờ Mặt Trời và phải có một kiến thức về thiên văn học.
Căn cứ vào các di tích còn lại tại châu Á, các nhà khảo cổ cho rằng người Trung Hoa đã biết ghi ngày vào năm 2397 trước Tây Lịch, trong khi tại nước Ấn Độ, người dân đã biết tính toán về thời gian vào năm 3102 trước Tây Lịch.
Tại nước Ai Cập, Đại Kim Tự Tháp Chéops được xây dựng tại Giza vào năm 1900 trước Tây Lịch, với cách xếp đặt để vào các ngày xuân phân và thu phân, mặt trời chỉ chiếu vào hai mặt phía đông và phía tây.
Bên châu Mỹ và ở 4,000 thước cao trên rặng núi Andes của xứ Bolivie, tại Tiahuanaco còn tồn tại một chiếc cổng bằng đá trước kia thuộc một ngôi đền Inca thờ Mặt Trời. Theo các nhà khảo cổ, các dấu hiệu khắc trên đá của chiếc cổng này là một cuốn lịch, không những ghi lại các ngày tháng và các tuần trăng mà còn ghi chú cả về các phân điểm và chí điểm.
Tại Mễ Tây Cơ, các giáo sĩ người Maya đã quan tâm đến thời gian từ năm 3375 trước Tây Lịch và đã để lại tại Chichén Itzá các di tích về lịch liên quan tới mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Vào khoảng năm 350 trước Tây Lịch, người Maya đã dùng một thứ lịch chính xác hơn cả lịch Julien. Các nhà thiên văn của xứ này đã cho một năm có 360 ngày và 5 ngày kém may mắn. Một năm được chia ra làm 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày. Ngoài ra họ còn dùng cả năm nhuận để sửa chữa những sai biệt.
Tại các cao nguyên phía nam của xứ Mễ Tây Cơ, dân tộc Aztèques đã dùng những nguyên tắc chính trong lịch của người Maya nhưng họ lại có hai thứ lịch: lịch tôn giáo gồm 260 ngày căn cứ vào các điều thần bí và lịch mặt trời có 360 ngày liên quan tới việc quan sát thiên văn.