Lọc máu như thế nào? Lọc máu là một phương pháp thay thế hoặc phụ trợ cho cơ năng thận của người bệnh lúc thận không còn đủ sức thực hiện vai trò “lọc” của mình, nghĩa là:
1) thải ra ngoài (qua nước tiểu) các chất cơ thể không cần như urea (là chất biến dưỡng của các chất đạm), các chất thuốc men cần thải ra ngả nước tiểu (waste removal)
2) giữ quân bình về nước và các chất điện giải (fluid and electrolyte balance). Muối natri (Na) dư thừa làm giữ theo quá nhiều nước trong cơ thể (fluid retention) là một nguyên nhân quan trọng gây chứng cao áp huyết (hypertension) ở bệnh nhân bị suy cơ năng thận.
Riêng về cơ năng nội tiết của thận, máy lọc máu không thay thế được.
Trong máy lọc máu (dialysis machine), máu từ người bệnh được cho chạy vào những ống nhỏ li ti của máy (dialyzer, tương tự như những tiểu cầu trong thận), trong những ống đó, máu chảy tiếp giáp với dung dịch của máy lọc (dialyzate) chảy ngược dòng. Hai bên máu và dung dịch dializate không trộn lẫn với nhau mà lại được được tiếp cận với nhau qua một màng ngăn bán-thẩm-thấu (semi-permeable membrane), có nghĩa là chỉ những phân tử có tầm vóc nhỏ mới đi qua được, còn những tế bào như hồng cầu, bạch cầu của máu thì không qua bên kia được.
Có hai cơ chế khác nhau.
– Một cơ chế gọi là diffusion (khuếch tán) cho phép các chất có quá nhiều trong máu người bệnh cần được thải bớt ra ngoài cơ thể, hiện diện trong máu ở nồng độ cao (ví dụ potassium, phosphorus, urea) di chuyển từ máu qua dung dịch của máy lọc nơi đó không có chất đó (ví dụ urea) hoặc chứa chất đó ở mức bình thường (ví dụ potassium, calcium).
– Cơ chế thứ hai là ultrafiltration (“siêu lọc”), giúp lấy bớt lượng nước dư trong cơ thể người bệnh di chuyển qua dịch của máy lọc máu và sẽ được thải ra ngoài, do áp suất trong dung dịch này âm (negative pressure).
Sau đó thì máu đã được lọc xong được trả lại cho cơ thể người bệnh.
Như vậy, chúng ta thấy máy lọc máu đem một lượng nước nào đó cùng với một số chất thải ra khỏi cơ thể, thay vì nước và chất thải phải được thải ra dưới hình thức nước tiểu. Máy có thể lấy ra vài lít nước từ cơ thể người bệnh trong mỗi buổi 4 tiếng đồng hồ lọc máu cho người bệnh. Lượng nước và chất thải cần lấy ra căn cứ trên tính toán của bác sĩ phụ trách lọc máu, mục đích là giữ cân nặng của bệnh nhân sau khi dialysis ở mức gọi là “dry weight” (“trọng lượng khô”, trọng lượng mà nếu cơ năng thận bình thường, người bệnh không dư nước, sẽ cân nặng ở mức đó). Thường mức “trọng lượng khô” bác sĩ nhắm tới thấp hơn trọng lượng bình thường lúc thận còn mạnh khoẻ, để bù vào khoảng giữa các buổi lọc máu, lúc lượng nước dư có thể tích tụ lại và làm áp huyết tăng. Tuy nhiên, chỉ tiêu “trọng lượng khô” sau khi lọc máu, nếu thấp quá, có thể làm người bệnh mệt mỏi quá đáng hay áp huyết quá thấp (hypotension). Tuỳ theo khả năng còn dư lại của thận, tuỳ theo loại bệnh thận, tuỳ theo nước còn dư thừa trong cơ thể hay không, thận của bệnh nhân có thể tiết ra một lượng nước tiểu nào đó. Tuy nhiên, thường sau 6 tháng lọc máu, đa số bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối (stage 5) không còn sản xuất nước tiểu nữa, tình trạng này thường gọi là vô-niệu (anuria).
Trên đây chỉ là một số kiến thức tổng quát. Nói chung, thân nhân cần hỏi các y tá hay bác sĩ săn sóc cho mình vì họ ở trong chuyên khoa đó và hiểu rõ những gì họ làm. Nếu có nghi vấn, hay chưa hiểu rỏ, cần hỏi lại cho kỹ.