Mẹo nhận biết có thai là các mẹo truyền thống được đúc kết lại trong thực tiễn về dấu hiệu có thai sớm bên cạnh các biện pháp khám thai như siêu âm hoặc thử máu.
Mất kinh
Chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ khoảng 28-30 ngày. Nếu như bạn bị trễ không thấy kinh sau khi quan hệ vào thời điểm có khả năng thụ thai thì đây là một dấu hiệu sớm.
Lông mày dựng đứng
Các cụ luôn nhìn hướng chân mày để đoán biết con cháu trong nhà đã có tin vui chưa. Theo kinh nghiệm của ông bà xưa, nếu lông mày và tóc mai, tóc gáy bỗng nhiên dựng đứng lên thì rất có khả năng người phụ nữ đó đang mang thai. Đây được xem là một dấu hiệu có độ chính xác khá cao.
Mông thây lẩy
Hình dáng phụ nữ sẽ thay đổi khi có thai, mà phổ biến là mông “thây lẩy”, tức là nở ra và cong hơn bình thường.
Cổ ngẳng, có gân xanh
Các cụ xưa tin rằng, khi phụ nữ mang bầu, nơi hõm cổ ở xương quai xanh hai bên, các mạch máu sẽ nổi lên và giật thấy rõ. Các cụ rất tinh ý khi phát hiện đặc điểm thay đổi này trên vùng cổ của người phụ nữ khi chửa dạ và có thể khẳng định đến 90% tính chính xác. Cùng với dấu hiệu ở xương quai xanh, cổ người phụ nữ mang thai còn ngẳng ra nên chỉ tập trung ở vùng cổ, đã đủ để các cụ phát hiện.
Môi tái nhợt
Theo dân gian, cơ thể người phụ nữ khi mang thai sẽ yếu đi rất nhiều, sinh ra mệt mỏi, khiến da mặt xanh xao, môi tái nhợt. Mặt khác, một số phụ nữ thể trạng vốn thiếu máu do thiếu sắt. Khi mang thai, nhu cầu sắt tăng cao sẽ càng làm cho cơ thể xanh xao và tái nhợt. Vì thế, ngoài các trường hợp đau bệnh, người có biểu hiện trên thường bị nghi là đang mang thai.
“Nhũ hoa” thâm
Thay đổi về vú cũng là một dấu hiệu rất sớm báo hiệu mang thai. Do nội tiết tố thay đổi nhanh, vú thai phụ to lên, mềm, cảm giác căng đầy, có thể đau hoặc ngứa trong 1 tới 2 tuần. Quầng vú cũng trở nên sậm màu hơn.
Thay đổi nhiệt độ cơ thể
Thân nhiệt cao hơn bình thường tuy có thể gặp khi lao động, thể dục thể thao, thời tiết nóng… nhưng cũng là dấu hiệu mang thai sớm.
Ngáp liên tục
Ngáp có thể chỉ phản ứng của cơ thể khi thiếu ngủ hoặc mỏi mệt. Nhưng có không ít trường hợp, ngáp liên tục là biểu hiện mệt mỏi của cơ thể người đang mang thai. Không chỉ người mẹ mang thai ngáp liên tục do nghén ngủ mà trong số ít trường hợp còn có hiện tượng chồng nghén ngủ thay vợ, với loạt biểu hiện giống hệt: ngáp chảy nước mắt liên tục, buồn ngủ mọi lúc mọi nơi dù giấc ngủ đã đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
Ra đốm máu và đau bụng
Sau khi thụ thai, trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển và làm tổ tại buồng tử cung, gây ra những triệu chứng sớm nhất khi mang thai: ra đốm máu và đau bụng. Chúng xuất hiện trong khoảng thời gian từ 6 tới 12 ngày sau khi trứng được thụ tinh.
Ra đốm máu là chảy máu li ti, phát hiện được khi lau bằng giấy, có thể có màu đỏ, hồng, hoặc nâu (màu sắc thường nhạt màu hơn so với máu kinh). Đau bụng cũng tương tự như đau bụng kinh nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Cả hai triệu chứng này có thể bị nhầm với triệu chứng của kinh nguyệt, nên dễ bị bỏ qua.
Bên cạnh hai triệu chứng trên, người phụ nữ có thể thấy âm đạo tiết dịch màu trắng sữa, do thành âm đạo dày lên sau thụ thai. Dịch tiết này là sinh lý bình thường, và sẽ xuất hiện suốt thời kỳ mang thai, không cần điều trị.
Mệt mỏi
Khi mới mang thai (sớm nhất là một tuần sau thụ thai) cơ thể có thể cảm thấy rất mệt mỏi và buồn ngủ. Nguyên nhân là do nội tiết tố progesterone tăng cao, và lúc này cơ thể cần được nghỉ ngơi nhiều, ăn các thức ăn giàu protein và sắt.
Ốm nghén
Ốm nghén là triệu chứng kinh điển của mang thai, và không phải tất cả các thai phụ đều bị. Nguyên nhân gây ra ốm nghén hiện chưa rõ, nhưng rất có thể là do thay đổi nội tiết tố.
Buồn nôn và nôn có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng hay xuất hiện vào buổi sáng.
Thay đổi nội tiết tố cũng làm khẩu vị của thai phụ thay đổi, khiến thai phụ cảm thấy thèm hoặc sợ hãi một số món ăn nhất định.
Buồn nôn, nôn, thay đổi khẩu vị có thể kéo dài đến hết thai kỳ, dù chúng thường giảm hoặc hết ở tuần thứ 13 hoặc 14.
Đi tiểu thường xuyên hơn
Khi mang thai, lưu lượng tuần hoàn tăng lên khiến thận làm việc nhiều hơn, nên thai phụ đi tiểu thường xuyên hơn. Hiện tượng này xuất hiện vào khoảng tuần thứ 6 tới tuần thứ 8 sau thụ thai.
Táo bón
Trong khi mang thai, nồng độ nội tiết tố progesterone tăng cao, khiến thức ăn được tiêu hóa chậm hơn, dẫn tới đầy bụng và táo bón.
Thay đổi cảm xúc
Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố khi mang thai có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của thai phụ, khiến thai phụ nhạy cảm hơn. Đây là hiện tượng thường thấy, và có thể gây ra trầm cảm, lo âu, hưng cảm, nóng giận.
Tăng nhịp tim
Vào khoảng tuần thứ 8 tới tuần thứ 10 sau thụ thai, tim thai phụ bắt đầu đập nhanh và mạnh hơn, dẫn tới hiện tượng đánh trống ngực và rối loạn nhịp. Điều này khá phổ biến ở các thai phụ do sự thay đổi nội tiết tố gây ra, tuy nhiên cần được thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tránh nhầm lẫn giữa sinh lý mang thai và bệnh lý thực sự.
Chóng mặt và ngất
Dưới sự thay đổi của nội tiết tố, các mạch máu giãn ra khiến huyết áp hạ xuống làm cho thai phụ cảm thấy chóng mặt, thậm chí bị ngất.
Tất cả các dấu hiệu mang thai sớm nêu trên tuy có thể là dấu hiệu sớm của mang thai, nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Hãy tới thăm khám bác sĩ khi phát hiện bất kỳ bất thường nào để có chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời nếu cần.