Mũi Hảo vọng có tên gọi khác là Mũi Độc, Mũi Bão táp bởi nó nổi tiếng với những con sóng gây chết người. Sóng rất lớn, có chiều cao lên tới 30 m được hình thành từ hai con sóng kết hợp lại thành một. Những cơn sóng khổng lồ như vậy có thể tạo ra những khoảng sâu rất lớn phía trước chúng, độ sâu tương ứng với chiều cao của sóng.
Cách thành phố cảng du lịch Cape Town của Nam Phi khoảng 48 km về hướng Tây Nam là Mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope). Để đến được một trong hai nơi nổi tiếng nhất thế giới này (mũi thứ hai là Cape Horn ở Patagonia, Nam Mỹ, điểm giao tiếp giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) là một điều thú vị.
Bất kỳ ai tới đây cũng sẽ có dịp chụp ảnh kỷ niệm bên cái bảng gỗ có khắc: “Vĩ độ 34° 49′ 58 nam và kinh độ 20° 00′ 12 đông – Cape of Good Hope”. Nó được cắm vào nền đất, bên dưới mỏm đá cao 256 m đâm trồi ra đại dương.
Nhà thám hiểm Bartolomeo Dias (hay Diaz) là người đầu tiên phát hiện ra Mũi Hảo vọng khi ông mở đường hàng hải từ Đại Tây Dương qua Ấn Độ Dương. Theo lệnh của vua Bồ Đào Nha Juan II, từ Lisboa, Dias căng buồm ra khơi vào tháng 8/1487. Đến tháng 2/1488, thuyền của ông vòng được qua đầu mỏm cuối cùng của lục địa đen, nay gọi là Great Fish River (tạo nên từ dòng nước lạnh của Đại Tây Dương đổ xuống và dòng nước ấm từ Ấn Độ Dương tràn qua, không chỉ có cá ngừ đại dương mà còn hàng đàn cá heo, cá mập và cá voi). Dias đã mở ra đường biển từ châu u đến Đông Á.
Ở hành trình trở về, ông Dias dừng lại ở đúng nơi này có tên là Mũi Hảo vọng. Thực ra, chốn này là nơi đầu sóng ngọn gió nên lúc ấy Dias gọi nó là Cabo Tormentoso, tức Mũi Bão tố. Sau này, lo ngại thủy thủ sợ chết khi hải hành đến đây, Vua Juan II đã chính thức đổi tên nó thành Cabo da Boa Esperanca, tức Mũi Hảo vọng. Thuỷ thủ người châu u từ Ấn Độ Dương đi đến thì biết mình sắp trở về nhà, còn thuỷ thủ từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải đến đây hiểu rằng mình đã qua được nửa chặng hải hành. Dias sau này tử nạn tại Cabo Tormentoso, trong cơn bão lớn vào năm 1500.
Ngày nay, Cape Town với Mũi Hảo vọng mỗi năm thu hút hơn 5 triệu lượt du khách nước ngoài. Hiện nay, Mũi Hảo Vọng vẫn là một tuyến đường biển nhộn nhịp vì chỉ những tàu cỡ vừa mới qua được kênh đào Xu-ê, các tàu lớn vẫn phải vòng qua đây. Hàng năm, khoảng 40.000 tàu bè qua lại Mũi Hảo Vọng. Các thuỷ thủ gọi Mũi là Quán trọ của đại dương vì đây là điểm dừng chân để lấy thực phẩm, nước uống cũng như những thứ cần thiết khác hay là nơi để họ sửa chữa, tu bổ tàu bè trong chuyến đi dài ngày./.