Ngộ độc paracetamol là gì? Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt được sử dụng phổ biến. Nếu không dùng đúng liều sẽ dẫn đến ngộ độc.
Liều paracetamol khuyến cáo là 4 g (hoặc 75 mg/kg) trong vòng 24 giờ đối với bệnh nhân người lớn. Bất kỳ việc dùng thuốc nào vượt quá liều khuyến nghị này đều được coi là quá liều. Tuy nhiên, hiếm khi ngộ độc nếu dùng <75 mg/kg paracetamol trong 24 giờ. Một lần quá liều cấp tính được xác định là dùng >4 g (hoặc >75 mg/kg) trong <1 giờ
Ngộ độc paracetamol có xu hướng tăng lên ở nước ta. Đây là một loại ngộ độc dễ gặp nhưng dễ bị bỏ sót, chẩn đoán chậm trễ đặc biệt khi bệnh nhân lạm dụng paracetamol để tự điều trị với mức độ quá liều lặp lại nhiều lần. Tự tử cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp do thuốc được mua bán rất dễ dàng.
Ngộ độc biểu hiện chính là viêm gan do hoại tử tế bào gan, có thể dẫn tới suy gan cấp, tử vong, tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đầy đủ và kịp thời bằng thuốc giải độc đơn giản N-acetylcystein (NAC) cũng dễ dàng cứu sống bệnh nhân.
Dấu hiệu ngộ độc paracetamol
Ở giai đoạn sớm, dấu hiệu ngộ độc thường mờ nhạt, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với biểu hiện của bệnh lý khác. Sau khi uống paracetamol mà xuất hiện buồn nôn, nôn thì nên cảnh giác, nhập viện điều trị sớm. Bệnh nhân sẽ được khám và đánh giá khai thác tiền sử dùng thuốc, xét nghiệm định lượng paracetamol trong máu, nếu xác chẩn bị ngộ độc cấp paracetamol thì sẽ được điều trị tích cực, rửa dạ dày, hấp phụ bằng than hoạt, sử dụng thuốc chống độc càng sớm, hiệu quả càng cao. Đặc biệt, trong 8 giờ đầu sau khi uống thuốc, hiệu quả điều trị là rất cao.
Ngộ độc paracetamol chia làm 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1, trong 24 giờ đầu sau khi uống, người bệnh cảm giác bị kích thích đường tiêu hóa, biểu hiện là buồn nôn, nôn, vã mồ hôi.
Giai đoạn II (ngày thứ 2-3), thuốc gây tổn thương hủy hoại tế bào gan, người bệnh cảm thấy mệt mỏi tăng lên, vàng da và mắt, đau bụng vùng gan (hạ sườn phải), có thể giảm lượng nước tiểu và nước tiểu có màu vàng hoặc nặng hơn là vô niệu. Đa số bệnh nhân vào bệnh viện ở giai đoạn này.
Nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến đến giai đoạn 3, bệnh nhân xuất hiện hội chứng não – gan, gan – thận, suy đa tạng, tử vong.
Nếu vượt qua được thì sang giai đoạn 4 (từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 14), đây là giai đoạn bệnh nhân phục hồi, cấu trúc và chức năng gan dần trở về bình thường.
Điều trị ngộ độc paracetamol
- Ổn định bệnh nhân
Xử trí cấp cứu ổn định tình trạng bệnh nhân: áp dụng theo nguyên tắc chung, xử trí các tình trạng nặng (như suy hô hấp, tụt huyết áp,…).
- Loại bỏ chất độc:
Gây nôn: nếu bệnh nhân mới uống paracetamol trong vòng 1 giờ.
Rửa dạ dày: khi bệnh nhân mới uống trong vòng 6 giờ.
Than hoạt: sau khi bệnh nhân được gây nôn hoặc rửa dạ dày. Dùng 1 liều 1g/kg, kết hợp với sorbitol liều tương đương. Nếu bệnh nhân đến viện sớm trước 6 giờ, có thể dùng than hoạt trước 1-2 giờ hoặc đồng thời với liều NAC đầu tiên. Việc dùng than hoạt không được làm chậm trễ việc dùng NAC của bệnh nhân, đặc biệt khi bệnh nhân đến viện sau 6 giờ.
- Thuốc giải độc
N-acetylcystein, NAC (Mucomyst, Acemuc): Là thuốc giải độc đơn giản, rất hiệu quả, có tác dụng tránh cho bệnh nhân không bị viêm gan (khi đến sớm, chưa có viêm gan) hoặc cải thiện tình trạng viêm gan, suy gan cấp của bệnh nhân, giảm tỷ lệ phù não, giảm việc sử dụng thuốc vận mạch và giảm tử vong. Thuốc còn có tác dụng tốt với suy gan cấp do các nguyên nhân nhiễm độc khác.
- Các biện pháp điều trị khác
- Bù nước, điện giải
- Bệnh nhân ăn kém do nôn nhiều: chống nôn, truyền đường gluose 10-20% để nuôi dưỡng
- Viêm gan: điều trị hỗ trợ theo nguyên tắc chung.
- Suy thận cấp: điều trị theo nguyên tắc chung.