Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Nơi nào ở Việt Nam có đất hiếm? Tình hình khai thác đất hiếm ở Việt Nam như thế nào?
Đất hiếm là khoáng sản chiến lược, có giá trị đặc biệt không thể thay thế và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các lĩnh vực từ điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi trồng trọt. Hiện nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ 21, thậm chí của cả thế kỷ 22.
Tại Việt Nam trữ lượng đất hiếm có khoảng trên 20 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc.
Kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thực hiện từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) với trữ lượng lớn, trong đó hàm lượng tổng REO trong quặng nguyên khai từ 0,5 đến trên 10%.
Các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa vào đến Bà Rịa, Vũng Tàu cũng có đất hiếm nhưng không nhiều.
Tình hình khai thác đất hiếm ở Việt Nam
Việt Nam mới chỉ khai thác nhỏ, công nghệ lạc hậu, phần lớn là khai thác thủ công., cỡ vài chục tấn quặng banexit ở Đông Pao và vài ngàn tấn quặng monazit hàm lượng 35-45% R203 ở sa khoáng ven biển miền Trung và chỉ xuất theo đường tiểu ngạch.
Vì vậy, khai thác đất hiếm ở Việt Nam chưa hiệu quả, tổn thất tài nguyên lớn, nhiều nơi tổn thất tới 60%, công suất thấp, không tách được hết thành phần nguyên tố hiếm.
Nhiều chuyên gia về môi trưởng đã cho rằng, cần phải xem xét lại việc khai thác đất hiếm vì đây là loại tài nguyên đòi hỏi trình độ khai thác ở mức cao không để tình trạng khai thác thủ công gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng ngoài vấn đề về môi trường, nếu trình độ kỹ thuật khai thác chỉ dừng lại ở việc bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến thì cũng gây thất thoát lớn về kinh tế.