Phạm Phú Ngọc Trai là người hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam, lên đến 124 triệu đồng/ tháng. Trước đó, ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương cho tới trước khi nghỉ hưu vào năm 2010.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai sinh năm 1955, quê ở Quảng Nam. Ông khởi nghiệp với vị trí cán bộ Vụ Xuất- Nhập khẩu Bộ Ngoại thương, sau đó là Phó giám đốc công ty nước giải khát quận 3. Hơn 30 tuổi ông trở thành nhà quản lý trẻ tuổi nhất với vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty nước giải khát Sài Gòn (Tribeco). Sau đó, ông Trai được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương. Ông là người Việt đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực của một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Trong hơn 20 năm làm việc với PepsiCo, ông Trai đã có 4 lần liên tiếp đưa PepsiCo Việt Nam giành giải thưởng DMK, giải thưởng cao quý nhất của hệ thống PepsiCo toàn cầu mang tên Donald M. Kendall, nguyên Chủ tịch và là người đồng sáng lập tập đoàn này.
Khi hào quang của chiếc ghế CEO PepsiCo đang ở đỉnh cao, đầu năm 2010, ông Trai xin nghỉ khi chưa đến tuổi về hưu để chuyển sang làm nhà tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi theo ông, câu chuyện của những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán: 1 năm làm lụng vất vả, không đủ bù cho 1 ngày giá cổ phiếu bị sập do các thông tin bất lợi về tập đoàn. Vì đâu chỉ một thông tin lại có thể hủy hoại kết quả làm ăn cả năm trời? Vì họ không có corporate citizenship – tinh thần công dân doanh nghiệp và xây dựng được danmh tiếng cho doanh nghiệp (corporate reputation). Đặc biệt ở thời đại mạng xã hội và thông tin giả (fake news) lan tràn, thì ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng, hình thành những nhóm “mafia online” cùng nhau tạo ra những thông tin xấu vì mục tiêu xấu.
Pepsi là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Thời gian đó, cũng như nhiều công ty khác, muốn hoạt động tại Việt Nam, Pepsi phải hoạt động dưới danh nghĩa liên doanh. Ngày 24/12/1991, Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) được thành lập bởi liên doanh giữa Công ty Thương mại và Du lịch Sài Gòn (SP.Co) và Marcondray-Singapore với tỷ lệ vốn góp 50% – 50%.
Đến tháng 7/2003, SP.Co quyết định bán toàn bộ cổ phần trong Liên doanh nước giải khát quốc tế (IBC) cho Công ty Pepsi. Theo đó, Pepsi IBC đã chuyển từ loại hình liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Ngày 23/10/2012, Pepsi công bố bán cổ phần của Công ty Pepsi Việt Nam cho Công ty Suntory Holdings Ltd., một công ty đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Nhật Bản, để cả hai cùng hợp tác nguồn lực mở rộng thị trường đang tăng trưởng nhanh này.
Giống Coca Cola, kể từ khi thành lập cho tới năm 2006, Pepsi cũng liên tục báo lỗ. Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2008, Pepsi lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số lãi của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ (từ năm 1991, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng) nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến 2013 chỉ là 40,2 tỷ đồng.
Vào tháng 7/2012, Tổng cục Thuế ra quyết định kiểm tra thuế tại công ty này, thời điểm kiểm tra là năm 2011. Theo đó, đã thu về ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế giá trị gia tăng 1,3 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 4,4 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng đối với nhà thầu nước ngoài là trên 500 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà thầu nước ngoài là 3,2 tỷ đồng.
Như vậy thời điểm Pepsi lỗ, không phải đóng thuế suốt một thời gian dài cũng có “công” rất lớn của ông Ngọc Trai.