Phượng Hoàng Cổ Trấn nằm ở phía tây của tỉnh Hồ Nam, là nơi sinh sống của người Miêu, người Thổ Gia và người Hán, có diện tích 191,7 km2 với dân số 112.200 (năm 2015).
Trấn Phượng Hoàng (Phoenix Ancient Town hay Fenghuang Ancient Town) có nét náo nhiệt, phồn hoa của những mái ngói cong cong, của dãy lồng đèn treo cao đỏ thắm vào ban ngày và soi sáng rực dòng Đà Giang vào ban đêm. Đó không phải kiểu hoa lệ ta thường nghĩ khi nói về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng chính là kiểu hoa lệ của một trung tâm chính trị, văn hóa phồn thịnh dưới thời Minh – Thanh.
Có nhiều truyền thuyết lý giải về cái tên của cổ trấn, nhưng tất cả đều gắn với chim phượng hoàng – loài sinh vật thần thoại hóa tro trong lửa đỏ rồi lại vươn mình hồi sinh từ đống tro tàn.
Có truyện kể về một đôi chim phượng hoàng, vì say đắm vẻ đẹp của vùng đất này mà dùng dằng chao lượn, không bay đi như luyến tiếc nhân duyên với con người. Truyện khác lại về đôi phượng hoàng tu luyện bên Đức Phật, vì xót thương dân chúng lầm than trong hỏa hoạn mà tình nguyện lao vào lửa, hy sinh để cứu cả thị trấn. Từ đó, người ta đặt tên trấn là Phượng Hoàng.
Phần lớn các công trình kiến trúc cổ còn tồn tại nguyên vẹn cho đến nay tại Phượng Hoàng cổ trấn được xây dựng vào thời nhà Thanh (1636 – 1912), do người Hán và người Miêu chung tay gìn giữ.
Những tòa nhà cổ kính thường xuyên xuất hiện trong các bức ảnh du lịch là loại hình kiến trúc đặc trưng cho văn hóa địa phương: kiến trúc điếu cước lâu (diaojiaolou). Ban đầu, điếu cước lâu là kiểu nhà sàn truyền thống của người Miêu và người Thổ Gia, xuất hiện nhiều ở vùng Tây Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, do các dân tộc thiểu số chung sống hòa hợp với người Hán tại Phượng Hoàng trấn, cách xây nhà ở truyền thống của họ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, dần dà biến đổi cho phù hợp với địa lý và xã hội khu vực, hình thành bản sắc riêng của cổ trấn.
Nhà kiểu điếu cước lâu chỉ có một nửa sàn tựa trên hàng cột chống xuống nước hay sườn núi. Độ dốc địa hình khiến các tòa nhà trông có vẻ xiêu vẹo, chênh vênh, nhưng thực chất lại rất vững chãi và an toàn.
Người dân địa phương xây nhà bằng các vật liệu sẵn có, dễ dàng tìm được xung quanh như gỗ thông, đá cuội và đất sét. Những ngôi nhà ở Phượng Hoàng cổ trấn vì thế mà mang màu sắc nguyên bản của tự nhiên, nhẹ nhàng hòa vào cảnh núi non, sông nước chung quanh như một phần của bức tranh thủy mặc khổng lồ. Lớp lớp nhà nối tiếp nhau, phóng khoáng, dân dã, bất chấp mọi quy củ, khác hẳn với kiểu kiến trúc thành quách, cung điện trật tự đâu ra đấy ở thủ đô Bắc Kinh.
Dân cư, văn hóa nhờ dòng nước Đà Giang mà sinh sôi trù phú xuôi về phương Đông. Bản sắc địa phương đặc sắc nhất ở đây, bình dị nhất cũng ở đây. Vì thế, nếu muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn Phượng Hoàng cổ trấn trong một khung cảnh, hãy đến với Đà Giang. Du khách có thể ngồi trên ban công vươn ra sông của một quán trà, vừa nhâm nhi trà thơm, vừa ngắm cuộc sống giản dị, bình lặng của đô thị cổ in bóng xuống mặt sông.
Người ta thường chọn du lịch Phượng Hoàng cổ trấn vào những tháng Hè – Thu vì thời tiết dễ chịu, quang đãng, nhưng mùa nào ở cổ trấn cũng đẹp, cũng có cái thú riêng, làm nao lòng du khách bằng sức sống bền bỉ và vẻ đẹp ôn tồn giữa nhân gian.