Quyền im lặng áp dụng trong hai vụ án điển hình Hoàng Công Lương (vụ chạy thận ở Hòa Bình) và Trương Hồ Phương Nga (vụ hoa hậu bị đại gia tố lừa đảo).
Ở Việt Nam, BLTTHS năm 2003 chưa đề cập quy định về quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, tại các Điều 72, 84, 131, có qui định:
Điều 72 (Lời khai của bị can, bị cáo): Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Điều 84 (Biên bản về việc bắt người): Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt, và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
Điều 131 (Hỏi cung bị can): Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo qui định tại điều 49 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản.Trong thực tiễn, ở một số trường hợp, người bị bắt, bị can, bị cáo, đã thực hiện quyền từ chối trả lời câu hỏi của Điều tra viên và được ghi vào biên bản.
Đối với Quyền có luật sư, tại các Điều 48, 49, 50 BLTTHS hiện hành quy định: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”, như vậy quyền này đã được qui định cụ thể, rõ ràng.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 13). “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” (Điều 15).
Ngoài ra, trong pháp luật TTHS cũng đã có những quy định gián tiếp thể hiện một số nội dung của quyền im lặng, ví dụ như quy định về việc người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can. BLTTHS năm 2015 cũng quy định tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi, nếu khi được hỏi, bị cáo không trả lời thì HĐXX chuyển sang hỏi người khác.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các điều 58 khoản 1 tiết e, điều 59 khoản 2 tiết c, điều 60 khoản 1 tiết d, điều 61 khoản 2 tiết h. Theo đó, các điều khoản này lần lượt ghi nhận: người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Như vậy, có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Trong các điều khoản trên, tuy không trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhưng trong thực tế khi làm việc với các cơ quan tố tụng, họ có thể không trả lời một số câu hỏi mà họ cho là chống lại họ và họ cũng không buộc phải khai nhận mình có tội.
Thực tiễn cho thấy quyền im lặng chưa được áp dụng nhiều trong các vụ án. Có hai vụ án đình đám mà ở đó các bị can đã sử dụng quyền im lặng.
Ngày 22/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án “hoa hậu” Trương Hồ Phương Nga về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (16,5 tỷ).
Tại phần thẩm vấn, khi trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, Phương Nga đã nói: “Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh tội trạng của bị cáo, nghĩa vụ này là của cơ quan công tố”, dù được Tòa giải thích nếu bị cáo từ chối việc tự bào chữa cho chính mình thì cũng là một cách tự gây thiệt hại. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xét xử, Phương Nga vẫn kiên quyết sử dụng “Quyền im lặng” nhằm “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Ngày 29/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Sau đó, vụ án đã được cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với bị can.
Ngày 16/5/2018, phiên toà xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình được đưa ra xét xử. Trong phần xét hỏi, khi đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại toà tiến hành thẩm vấn “nhân vật chính” trong vụ án là bị cáo Hoàng Công Lương, 32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình bị truy tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Lương trả lời, do bị Viện kiểm sát quy kết tội nên bị cáo xin được giữ quyền im lặng. Bị cáo uỷ quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội.