Rụng trứng là gì? Rụng trứng là khi một trứng (hoặc hơn một trứng) được phóng ra từ buồng trứng và đi xuống ống dẫn trứng.
Mỗi tháng, 15 – 20 trứng sẽ trưởng thành trong buồng trứng. Sau khi trứng rụng, chúng chỉ có thể sống được khoảng 24 giờ trong cơ thể phụ nữ.
Trứng sẽ rụng và bị cuốn vào ống dẫn trứng – nơi kết nối buồng trứng và tử cung. Buồng trứng của bạn không nhất thiết phải thay phiên nhau rụng trứng và việc này xảy ra khá ngẫu nhiên.
Sau khi quan hệ, tinh trùng có thể sống trong cơ thể phụ nữ 2-3 ngày. Do đó, nếu quan hệ trong khoảng thời gian 1-2 ngày trước khi rụng trứng và khoảng 24 giờ sau trứng rụng, trứng và tinh trùng sẽ gặp nhau, sự thụ tinh sẽ xảy ra.
Nếu muốn tránh thai, chỉ cần tránh những ngày đó. Quan trọng là phải xác định được ngày rụng trứng. Bình thường, với những phụ nữ vòng kinh 28 ngày, trứng có thể rụng vào ngày thứ 14, tính bắt đầu từ ngày có kinh. Tức là khoảng thời gian từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 17 của chu kỳ kinh nguyệt sẽ là ngày không an toàn. Thời gian từ ngày thứ 1 – ngày bắt đầu có kinh đến ngày thứ 7 được xem là an toàn tương đối. Từ ngày thứ 18 đến ngày thứ 28 là an toàn tuyệt đối.
Mỗi bé gái được sinh ra sẽ có khoảng 1 triệu quả trứng, được chứa trong hai buồng trứng cung cấp cho bé trọn đời. Trong thực tế, phần nhiều trong số đó bắt đầu chết đi ngay lập tức. Đừng quá lo lắng, tạo hóa đã tính toán chu đáo để đảm bảo đáp ứng đủ trứng cho độ tuổi sinh sản của bạn. Nhìn chung, trong cuộc đời của mình, bạn có thể có khoảng 400 lần rụng trứng, bắt đầu với kỳ kinh nguyệt đầu tiên và kết thúc khi thời kỳ mãn kinh đến, thường ở độ tuổi từ 45 đến 55.
Rụng trứng xảy vào thời điểm nào?
Thời gian rụng trứng ở mỗi cơ thể không giống nhau và qua từng tháng cũng có nhiều sự thay đổi. Tùy theo cơ địa mỗi người nhưng hiện tượng rụng trứng thường diễn ra trong khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài từ 28 – 32 ngày thì thời điểm rụng trứng có thể xảy ra vào giữa ngày thứ 11 đến ngày thứ 21.
Dấu hiệu nhận biết ngày rụng trứng diễn ra
- Tăng tiết dịch chất nhầy cổ tử cung.
- Nhạy cảm với mùi vị khi ăn uống.
- Đau nhức vùng xương chậu và vùng bụng.
- Xuất hiện các đốm máu nhẹ.
Những cơn đau âm ỉ vùng bụng dưới gần tương tự với cơn đau bụng trong ngày “đèn đỏ” và nó là một dấu hiệu cho thấy hiện tượng rụng trứng đã diễn ra. Nhiều người lại chỉ cảm thấy một cơn đau ngắn và nhói lên bất chợt giữa chu kỳ. Nếu cơn đau quá dữ dội trong ngày rụng trứng thì bạn đừng nên chủ quan mà nên đi khám ngay để được chẩn đoán bệnh kịp thời.
Có 2 điều có thể xảy ra sau khoảng thời gian rụng trứng là có thai hoặc xuất hiện ngày “đèn đỏ”. Nếu trứng được thụ tinh sau thời gian rụng trứng thì bạn sẽ đến với giai đoạn đầu của quá trình thụ thai. Còn nếu việc thụ thai không xảy ra thì đồng nghĩa là trứng bị đào thải ra ngoài tử cung nên dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt như mỗi tháng. Vì thế, con gái có thể dựa vào các dấu hiệu xảy ra rụng trứng để nhận biết và có sự chuẩn bị cho kỳ “đèn đỏ” sắp diễn ra.