Lâm Bưu, một thời từng được coi là người thừa kế Chủ tịch Mao Trạch Đông nhưng ngày 13/9/1971, tại Đại lục Trung Quốc đã xảy ra sự kiện chấn động địa cầu: Lâm Bưu phản bội Mao Trạch Đông, lên máy bay riêng chạy trốn và chết tan xác cùng máy bay.
Lâm Bưu là bộ trưởng Quốc phòng, phó chủ tịch Đảng, “phó thống soái” kế vị hợp hiến chức vụ của Mao Trạch Đông. Tháng 10/1971, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra Văn kiện số 57 tuyên bố Lâm Bưu là kẻ phản đảng, phản quốc.
Tiếp đó, cả nước dấy lên làn sóng phê phán Lâm Bưu. Người ta đua nhau đấu tố, vạch trần, làm rõ tội trạng, hành vi phản dân hại nước của “Tập đoàn phản đảng Lâm Bưu”. Vậy mà mới ngày nào, họ còn gân cổ chúc Phó thống soái Lâm Bưu “vĩnh viễn kiện khang”, tức mãi mãi mạnh khỏe.
Vì sao như vậy?
Trong 10 năm Cách mạng Văn hóa 1966-1976, Lâm Bưu được coi là nhân vật số 2, được tung hô là “người bạn chiến đấu thân thiết nhất của Mao Chủ tịch”, nhưng mối bất hòa giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu càng về sau càng lộ rõ.
Mở đầu từ năm 1969, khi mâu thuẫn về “hình thái ý thức” giữa Trung – Xô đến giai đoạn cực kỳ căng thẳng và đế quốc Mỹ ngày càng leo thang trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mao Trạch Đông thấy phải nhanh chóng thay đổi cục diện bất lợi cả trước mắt và lâu dài.
Đúng lúc đó, Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra một số động thái muốn hòa hoãn với Trung Quốc. Ông ta cử Đại sứ Stosel tìm cách tiếp xúc với Dương Lôi, Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Ba Lan.
Theo truyền thống “viễn giao cận công” (thông thương giao hòa với kẻ ở xa, o ép tấn công kẻ ở gần – một chiến lược trong “Binh pháp Tôn Tử” xưa), Mao Trạch Đông lập tức quyết định nâng hội đàm Trung – Mỹ lên cấp Đại sứ.
Nhưng tháng 3/1970, Mỹ xua quân xâm lược Campuchia, nên cuộc hội đàm cấp Đại sứ Trung – Mỹ tạm dừng. Tuy nhiên, cửa đóng nhưng không cài then, đôi bên đều cố tìm phương thức thích hợp nhất nhích đến gần nhau. Và tư duy của Mao Trạch Đông – Nixon, 2 nhân vật chóp bu của hai nước đã có điểm bắt đầu “cộng hưởng”.
Lâm Bưu phản đối hòa hoãn Trung – Mỹ. Đương nhiên, mục đích phản đối của ông ta là gì chưa có tài liệu nào khẳng định. Nhưng ông ta không dám chống ra mặt, mà chỉ ngấm ngầm vì ngại Mao Trạch Đông.
Càng ngày, quan điểm về thế giới, về Mỹ, Liên Xô, về chiến tranh giữa Lâm Bưu và Mao Trạch Đông càng xa nhau. Mao Trạch Đông có câu nói nổi tiếng: “Muốn làm cách mạng, trước hết phải tạo dư luận cách mạng”.
Lâm Bưu rất biết thói quen bắn tin bóng gió: “Nói Sơn Tây chết cây Sơn Đông” của Mao Trạch Đông, lời nói sắc như dao, chẳng biết về sau thế nào, Lâm Bưu càng nghĩ càng cảm thấy lạnh sống lưng.
Ngày 3/6/1971, Lâm Bưu bỏ cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Rumania, tới ngồi một mình trên chiếc ghế đặt ở góc tây – bắc đại sảnh ngoài cửa, khiến các cảnh vệ của Mao Trạch Đông, Lâm Bưu, Chu Ân Lai đều lấy làm lạ và không hiểu ông ta đang nghĩ gì.
Không lâu sau đó, Lâm Bưu quay về Bắc Đới Hà. Còn Mao Trạch Đông bắt đầu cuộc “vi hành” phương Nam. Hai người xa nhau từ đấy.
Sáng sớm 13/9/1971, đại sứ Trung Quốc vừa nhậm chức tại Ulan Bator Hứa Văn Ích được đột ngột triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mông Cổ để nghe thông báo có một máy bay quân sự Trung Quốc rớt sau khi xâm phạm trái phép không phận Mông Cổ và được yêu cầu giải thích vụ việc. Trở về sứ quán, ông Hứa thông báo với nhân viên chiếc máy bay bị rớt vào lúc 2 giờ 25 sáng 13/9 xuống vùng đồng cỏ cách biên giới Trung Quốc – Mông Cổ 350 km, làm chết toàn bộ 9 hành khách, trong đó có phi công tên Lâm Lập Quốc, 24 tuổi, con trai Lâm Bưu và một phụ nữ.
Sau khi chụp ảnh hiện trường, các xác chết được phía Mông Cổ chôn lấp ở gần nơi máy bay rớt. Đại sứ Trung Quốc trở về Bắc Kinh được đưa thẳng tới Bộ Ngoại giao và bị quản thúc trong 2 tuần không được về nhà để khỏi tiết lộ mọi chuyện cơ mật. Ngay trong đêm, ông được đưa tới phòng Phúc Kiến của Đại lễ đường nhân dân gặp Thủ tướng Chu Ân Lai đang chờ đợi. Ông Chu hỏi ngay: “Chỗ máy bay rớt cách thành phố Irkutsk của Liên Xô bao xa?”. Ông Chu cho biết máy bay cất cánh từ Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc, nơi địa đầu Vạn Lý Trường Thành giáp biển.
Ông xem kỹ các bức ảnh, đặc biệt là ảnh chụp xác Lâm Bưu mang mã số 5. Mãi tới ngày 3/10, tại cuộc họp ở Bộ Ngoại giao, đại sứ Hứa Văn Ích mới biết đó là xác Lâm Bưu và chiếc máy bay rớt không phải do bị không quân Trung Quốc, Liên Xô hoặc Mông Cổ bắn mà do hết nhiên liệu, phải hạ cánh khẩn cấp và bốc cháy.
Sau khi tin đồn loan ra, quân đội Liên Xô cử người tới nơi máy bay rớt, đào xác Lâm Bưu, cắt xương sọ, tóc và da mang về Moscow tiến hành xét nghiệm tia X-quang đối chiếu với hồ sơ bệnh án của Lâm Bưu trong thời gian điều trị bệnh lao tại Liên Xô, để có kết luận chính xác. Chiếc hộp đen của máy bay cũng được mang về Moscow. Tháng 6/1972, Bắc Kinh chính thức thông báo Lâm Bưu, 63 tuổi, chết trên đường chạy trốn sang Liên Xô sau âm mưu đảo chính thất bại.