Tại sao ăn dọc mùng bị ngứa? Dọc mùng là một loại rau gia vị quen thuộc thường được sử dụng trong những món canh chua. Tuy nhiên, nhiều người ăn dọc mùng bị ngứa họng, thậm chí bị dị ứng dọc mùng.
Theo y học cổ truyền, dọc mùng vị cay đắng, tính bình, hơi có độc. Thân, lá của cây dọc mùng có tác dụng tiêu đờm, tiêu ứ, giảm ho đờm khó thở, trừ giun.
Dọc mùng cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như protein, bột đường, chất xơ, phốt pho, kali, canxi, magiê,…
Tác dụng chủ yếu của dọc mùng trong bữa ăn là làm rau ăn kèm giảm bớt cảm giác ngán của những loại thực phẩm giàu chất đạm, hơn nữa, nó rất giàu sinh tố vi lượng tốt cho những người thừa cân.
Tuy nhiên, khi sơ chế dọc mùng (bóp muối) nhiều người bị ngứa tay. Thậm chí, dọc mùng sau khi chế biến như nấu canh chua cũng gây ngứa miệng người ăn. Nguyên nhân là do dọc mùng thuộc họ Ráy, chứa hàm lượng sapotoxin gây nên các triệu chứng tê môi, lưỡi và cứng hàm. Loại độc tố này chỉ có thể mất hoặc giảm đi khi được nấu thật chín.
Saponin có tính chất là khi hòa tan vào nước có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của dung dịch tạo nhiều bọt, có tính chất phá huyết, độc đối với động vật máu lạnh, nhất là đối với cá, tạo thành hợp chất với cholesterol, có vị hắc và làm hắt hơi mạnh (Wikipedia). Do có độc tính nên saponin được gọi là chất sapotoxin.
Cách làm dọc mùng không ngứa
Để dọc mùng không gây ngứa, có thể thực hiện theo chỉ dẫn sau:
Đầu tiên rửa sạch cây dọc mùng cho khỏi bùn đất. Tiếp đến, tước bỏ phần xơ phía bên ngoài dọc mùng như cách tước vỏ chuối. Sau đó, dùng dao cắt hết phần bụng của dọc mùng (phần cong bên trong) bỏ đi.
Cắt thanh dọc mùng thành từng miếng vừa ăn (nên cắt theo kiểu vót chông, vì dọc mùng rất xốp và nhiều nước, thái vát giúp dọc mùng dễ vắt và dễ ngấm gia vị). Kế đến, rắc một thìa muối hạt vào những khúc dọc mùng vừa cắt và trộn đều, để khoảng 15 phút. Lý do của việc ngâm muối là nhằm giúp dọc mùng bớt ngứa.
Tiếp đó, đổ nước lạnh vào chậu dọc mùng đang ngâm muối, rửa sạch lại, dùng tay vò, vắt nhẹ cho ráo nước. Khi rửa nên sử dụng găng tay để vắt dọc mùng. Lúc này, dọc mùng óp lại rất nhiều so với ban đầu. Đun nước sôi để chần dọc mùng.
Một cách làm khác để dọc mùng không bị ngứa lăn tăn trong miệng khi ăn là sau khi thái vát, ngâm dọc mùng 2 lần với nước muối pha đậm rồi ngâm và xả vài lần với nước lạnh.
Ăn dọc mùng bị ngứa họng phải làm sao?
Ăn dọc mùng bị ngứa họng là do dọc mùng chế biến chưa kỹ, hoặc cũng có thể đã mua nhầm phải cây ráy vốn có độc tính nặng hơn.
Trường hợp bị ngứa họng, nhẹ thì chỉ một lát là hết ngứa nếu như uống nhiều nước nóng một mặt nước đẩy độc tố ra ngoài, mặt khác cái nóng sẽ lấn át cảm giác ngứa ngáy.
Một số người có cơ địa dị ứng, hoặc gen đặc biệt… có thể mắc các dị ứng nặng với loại thực phẩm này với các biểu hiện như: Sốc phản vệ, mức độ nhẹ thì mẩn ngứa, nặng thì tắc phế quản, ngạt thở, nôn mửa, giãn mạch máu dẫn đến trụy tim mạch…
Theo các các bác sĩ, dị ứng dọc mùng phải được phát hiện xử trí kịp thời, nhanh chóng vì với những người cơ địa dị ứng mạnh với loại thực phẩm này sẽ trở nên nặng chỉ trong thời gian ngắn.
Dị ứng dọc mùng thường biểu hiện sau khoảng vài phút đến 1 tiếng sau khi ăn với các biểu hiện phổ biến nhất như: Ngứa ran trong miệng, phát ban, sưng môi, lưỡi… hoặc khó thở, ngất xỉu… Một số trường hợp, dị ứng dọc mùng có thể nặng hoặc rất nặng như: Phù nề đường hô hấp, sưng họng làm tắc đường thở, mất ý thức… thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.