Thủ đô Jakarta (Indonesia) có tốc độ chìm nhanh nhất thế giới, kể từ năm 1970, có những nơi đã chìm sâu 4m dưới mặt nước. Tại sao Jakarta bị chìm?
Jakarta nằm trên vùng đất đầm lầy, bên cạnh là biển Java, và có đến 13 con sông chảy qua. Lũ lụt thường xuyên xảy ra ở Jakarta và theo các chuyên gia, ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng điều khủng khiếp nhất là thành phố rộng lớn này thực sự đang biến mất khỏi mặt đất.
Jakarta bị chìm trung bình 1-15cm một năm và gần một nửa thành phố hiện nay nằm dưới mực nước biển, ảnh hưởng rõ ràng nhất là ở Bắc Jakarta.
Bắc Jakarta đã chìm 2,5m trong 10 năm và đang tiếp tục chìm sâu thêm 25cm mỗi năm ở một số nơi.
Phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ở phía phía Đông Jakarta, mặt đất bị chìm khoảng khoảng 10cm mỗi năm, 2cm ở miền Trung Jakarta và 1cm ở Nam Jakarta.
Vì sao Jakarta bị chìm?
Nguyên nhân đầu tiên được cho là việc khai thác nước ngầm quá mức.
Thủ đô Jakarta có khoảng 10 triệu dân và người dân khai thác quá mức nguồn nước ngầm là một nguyên nhân khiến Jakarta bị chìm dần trong nước. Khi nước ngầm được bơm ra, vùng đất phía trên nó chìm xuống như thể đang ngồi trên một quả bóng xì hơi – và điều này dẫn đến sụt lún đất.
Nguyên nhân thứ hai là do mực nước biển dâng cao và do biến đổi khí hậu gây ra. Mực nước biển dâng cao xảy ra do sự giãn nở nhiệt – nước mở rộng do nhiệt thừa – và sự tan chảy của băng cực.
Thứ ba là thành phố Jakarta đã phát triển quá mức, khiến nền đất ở đây không chịu nổi trọng lượng của các công trình xây dựng và đang bị lún dần xuống.
Theo một công trình nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Thủ đô Jakarta của Indonesia có thể sẽ chìm trong nước biển nếu chính phủ không áp dụng những biện pháp cần thiết. Với tốc độ xây dựng như hiện nay, nền đất của Jakarta sẽ bị lún dần và đến ngày 6/12/2025, nước biển sẽ lấn sâu tới 5 km vào vùng đất liền của thành phố, tới tận Phủ Tổng thống và thậm chí có thể hoàn toàn nhấn chìm khu vực thành cổ lịch sử ở phía Bắc thành phố ven biển này.
Một dự án tham vọng đã được ra đời đó là dự án tường bao biển khổng lồ, kéo dài hơn 30km dọc cảng phía Bắc Jakarta. Dự án là một quần đảo nhân tạo với 17 đảo lớn nhỏ, kinh phí xây dựng khoảng hơn 40 tỷ USD.
Dự án khác do Chính phủ Hà Lan và Hàn Quốc hỗ trợ để tạo ra một đầm phá nhân tạo, trong đó mực nước có thể được hạ xuống, cho phép các con sông của thành phố thoát nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tường biển và đảo nhân tạo có thể giải quyết vấn đề sụt lún của Jakarta vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Nó chỉ có thể giúp Jakarta thêm 20-30 năm để ngăn chặn sụt lún dài hạn.
Chính vì thế, chính phủ Indonesia đã quyết định di dời thủ đô Jakarta đến một địa điểm khác (hiện giờ chưa được xác định). Và dự kiến, Indonesia sẽ phải mất 10 năm để chuyển thủ đô.