Tại sao phương Tây bỏ rơi Ukraine? Tổng thống Ukraine đã cay đắng thừa nhận “chúng ta đã bị bỏ rơi”. Ông ta muốn gia nhập NATO ngay lúc này nhưng lãnh đạo 27 nước thành viên EU im lặng.
Sau một ngày đối chọi với tên lửa và bộ binh Nga, Tổng thống Ukraine đã phải thừa nhận sự thật cay đắng: NATO, EU, Mỹ không ra tay cứu Ukraine.
“Chúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ai sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng chúng ta? Tôi chẳng thấy một ai”, Zelensky phát biểu qua video rạng sáng nay. “Ai sẵn sàng đảm bảo tư cách thành viên NATO cho Ukraine? Ai cũng lo sợ. Tôi đã hỏi tất cả các đối tác liệu họ có đứng về phía chúng ta không? Họ đứng về phía chúng ta, nhưng không sẵn sàng đưa chúng ta vào cùng liên minh với họ”.
“Hôm nay tôi đã trực tiếp hỏi 27 lãnh đạo châu Âu liệu Ukraine có được gia nhập NATO hay không. Mọi người lo sợ, không trả lời. Nhưng chúng ta không sợ, chúng ta không sợ bất cứ điều gì”, Zelensky nhấn mạnh.
Thực tế, những gì Mỹ và đồng minh phản ứng với Nga là thực hiện lệnh trừng phạt Nga vì hành vi quân sự đối với Ukraine. Không có quốc gia nào có ý định đưa quân sang bảo vệ Ukraine theo lời ông Zelensky, mặc dù có khả năng NATO có “bơm” vũ khí cho Ukraine. Tất nhiên, đây không phải là cho không, Ukraine dù thắng hay thua cũng vẫn phải trả món nợ này.
Câu hỏi là vì sao phương Tây không đưa quân đến Ukraine?

Trước hết là vị trí của Ukraine sát biên giới Nga. Nước xa không chữa được lửa gần luôn đúng, đặc biệt trong trường hợp này. Phương Tây có thể đưa bao nhiêu quân để đối đầu với quân đội Nga? Chắc chắn là không thể đọ bằng số lượng với Nga. Đưa quân đến Ukraine để tấn công Nga thì chưa bao giờ là lựa chọn. Bài học phát xít Đức tấn công Liên Xô năm 1941 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, đó là chưa kể khả năng phòng vệ của quân đội Nga hiện nay ngang ngửa Mỹ, thậm chí có thể còn hơn.
Chưa hết, nguy cơ sa lầy khi đưa quân đến Ukraine rất cao – mà Mỹ và các nước đồng minh đã rút được kinh nghiệm từ Afghanistan, Iraq, Sirya…
Cho nên, giải pháp “đánh” Nga tốt nhất của phương Tây hiện nay là cấm vận kinh tế. Ít nhất, cho đến thời điểm này với việc phong tỏa tài sản các ngân hàng Nga, phương Tây đã “kiếm” được 1.000 tỷ đô la! Con số có thể còn nhiều hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, nên nhớ không phải phương Tây “nuốt” ngay được số tiền này, mà nó là một thứ giá trị để phương Tây trao đổi điều kiện với Nga.
Đó là chưa kể chiến tranh chính là giải pháp marketing vũ khí hiệu quả nhất. Nhất là với tay “lái súng” số 1 thế giới – Hoa Kỳ. Thông điệp chính của chiến dịch marketing này là “Chúng tôi đã nói đúng về cuộc xâm lược của Nga! Hãy mua vũ khí của chúng tôi, cho chúng tôi xây dựng căn cứ trên đất nước của bạn”.

Về phía Nga, khi phát động chiến tranh, chắc chắn đã xác định thiệt hại về kinh tế và tính toán trước.
Tất cả các bên đều tính toán kỹ lưỡng từng bước. Nga chấp nhận thiệt hại. Phương Tây đứng giữa đánh võ mồm, ủng hộ mồm và hưởng lợi.
Chỉ có Ukraine ngây thơ tin rằng có phương Tây chống lưng. Không tin sao được khi chỉ trước đó mấy ngày, Mỹ, Anh tuyên bố phương Tây sẽ không đứng nhìn Nga tấn công Ukraine. Thế mà khi chiến tranh nổ ra, họ chỉ nhẹ nhàng nói, hy vọng Ukraine có thể ngăn chặn được cuộc tấn công.
Ngăn chặn bằng mắt à?
Đấy, chẳng cứ trong cuộc sống, ngay cả trên bàn cờ chính trị, “chả tin bố con thằng nào” là câu luôn đúng!