Tên lửa siêu thanh là tên lửa có khả năng bay với vận tốc lớn gấp nhiều lần vận tốc âm thanh; có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa trên thế giới.
Không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh không đi theo quỹ đạo hình cung và không cần phải lập trình trước đích đến.
Thuật ngữ “siêu thanh” mô tả việc di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh ít nhất hơn 5 lần, hoặc khoảng 1,6 km/s, khoảng 6200 km/h. Đây còn gọi là tốc độ Mach 5.
Ở tốc độ siêu âm, các phân tử không khí xung quanh phương tiện bay bắt đầu thay đổi, tách rời hoặc tích điện trong một quá trình gọi là ion hóa. Điều này khiến tên lửa siêu thanh phải chịu lực căng “khủng khiếp” khi nó đẩy xuyên qua bầu khí quyển.
Tên lửa siêu thành có hai loại:
Loại tên lửa hành trình siêu thanh được cung cấp động lực bởi tên lửa hoặc máy bay phản lực trong suốt hành trình bay. Chúng đơn giản là phiên bản nhanh hơn của các tên lửa hành trình hiện có, ví dụ như tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Còn tên lửa siêu thanh dạng boost-glide lại khác. Chúng được phóng lên bầu khí quyển phía trên như bình thường bởi các tên lửa đạn đạo hiện có, nhưng sau đó, các phương tiện lượn siêu thanh (hypersonic glide vehicle – HGV) được tách ra, bay thấp hơn, hướng tới mục tiêu nhanh và khó đoán hơn nhiều so với các phương tiện tái nhập cũ.
Mặc dù một số loại vũ khí siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhưng cũng có những loại khác có thể sử dụng tốc độ và độ chính xác cao để tiêu diệt các mục tiêu chỉ bằng động năng mà chúng tác động. Với tốc độ gấp mười lần tốc độ âm thanh, một kilogram của bất cứ thứ gì cũng có thể tạo ra lực tác động lớn hơn nhiều so với việc kích nổ một kilogram thuốc nổ TNT.
Một điểm đặc biệt nữa, đường đi của tên lửa siêu thanh, đặc biệt là tên lửa có HGV sẽ tạo ra đường đi ở độ cao thấp, kết hợp với độ cong của bề mặt Trái Đất giúp chúng khó bị radar phát hiện.
Tốc độ nhanh của chúng cũng khiến các hệ thống đánh chặn truyền thống khó có thể làm việc hiệu quả. Quỹ đạo không thể đoán trước của HGV trong phần lớn hành trình cho phép chúng đe dọa một khu vực rộng lớn, thậm chí chuyển đổi mục tiêu giữa chừng.
Tên lửa siêu thanh là gì? Nga đang sở hữu các dòng vũ khí siêu thanh lợi hại
Dù quá trình phát triển vũ khí siêu thanh mới tại Nga đã có lịch sử lâu dài, nhưng những thông tin liên quan tới chúng mới chỉ được công khai vài năm trở lại đây. Những chương trình phát triển vũ khí siêu thanh mới của Nga được biết tới nhiều nhất là tên lửa hành trình Zircon và BrahMos (hợp tác với Ấn Độ).
Liên quan tới vấn đề này, hồi tháng 1/2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng tuyên bố, Nga đã đạt được những tiến bộ lớn trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới cho phép phát triển các phương tiện bay có thể đạt tốc độ siêu thanh. Tới tháng 12/2017, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga, Viktor Bondarev khẳng định, Quân đội Nga đã được trang bị tên lửa siêu thanh mới theo chương trình mua sắm quốc phòng tới năm 2027, trong đó có tên lửa Zircon.
Tất cả thông tin về vũ khí siêu thanh mới của Nga chỉ được công khai rõ ràng trong Thông điệp Liên bang 2018 được Tổng thống Vladimir Putin công bố hôm 1/3 với tên lửa Kinzhal, đầu đạn trang bị cho ICBM Sarmat và thiết bị lượn siêu thanh Avanguard.
“Nhờ sự hỗ trợ của máy bay vận chuyển bay ở tốc độ cao, tên lửa Kinzhal nhanh chóng đạt tốc độ siêu thanh chỉ sau vài phút rời bệ phóng. Tốc độ bay của tên lửa đạt tới Mach 10 và khả năng cơ động quỹ đạo trong suốt hành trình bay”, Tổng thống Nga V. Putin đánh giá về tên lửa Kinzhal. Theo lời Tổng thống Nga, Kinzhal có thể đáp ứng nhiệm vụ chiến lược với đầu đạn hạt nhân và khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách 2.000km.
Tên lửa Kinzhal lần đầu tiên được tham chiến ngày 18/3/2022 trong chiến dịch Nga tấn công Ukraine. Nó đã phá hủy một nhà kho lớn dưới lòng đất chứa tên lửa và đạn phòng không ở làng Deliatyn thuộc vùng Ivano-Frankivsk.