Mặc dù xuất phát từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn Thực Trung Quốc khác Việt Nam.
Theo dân gian, từ đời Xuân Thu (770 – 221 trước Công nguyên) bên Trung Quốc, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn, phải sống lưu vong nay nước Tề, mai nước Sở. Có một hiền sỹ tên là Giới Tử Thôi phò vua bất chấp cả thân thể. Khi lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
19 năm phò vua Tấn Văn Công, Giới Tử Thôi chấp nhận “nếm mật nằm gai” chờ ngày vua Tấn phục quốc.
Khi nhà vua giành lại được ngôi vương, làm vua nước Tấn đã hậu đãi cho những người có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán thán gì, đưa mẹ vào núi ở ẩn.
Nhà vua sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi, nhưng Tử Thôi nhất quyết từ chối mọi bổng lộc, chức tước. Để ép Tử Thôi quay về, vua Tấn đã ra lệnh đốt rừng. Ai ngờ, Tử Thôi quyết chí, chịu chết cháy trong rừng cùng mẹ chứ nhất quyết không ra làm quan.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, đến ngày 3/3 là ngày chết cháy của 2 mẹ con Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Tết Hàn thực của người Việt cũng vào ngày 3/3 âm lịch nhưng không có liên hệ tới Giới Tử Thôi mà những món ăn dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội. Vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa như người Trung Quốc./.