Thực nghiệm hiện trường Gateway lần 2 được tổ chức sáng ngày 13/9/2019, có mặt tài xế Doãn Quý Phiến nhưng thiếu người đưa đón trẻ là bà Nguyễn Bích Quy.
Theo báo Tuổi trẻ: Tài xế Doãn Quý Phiến trong buổi thực nghiệm sáng nay mặc trang phục màu đen điều khiển chiếc ôtô đến trước cổng Trường Gateway. Ngồi bên cạnh ghế lái có một cảnh sát mặc cảnh phục.
Sau đó, ông Phiến được mời xuống xe nghe cảnh sát và điều tra viên phổ biến kế hoạch thực nghiệm trong sáng nay cùng với luật sư của gia đình bị hại.
Khoảng 5 phút sau, tài xế Phiến cùng những người liên quan lên chiếc ôtô biển số 29B-069.56 do ông Phiến cầm lái đi từ cổng Trường Gateway trên phố Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sang ký túc xá Học viện Báo chí và tuyên truyền.
Báo VnExpress tường thuật buổi thực nghiệm lần thứ hai tiếp tục vắng mặt bị can Nguyễn Bích Quy (người đưa đón trẻ lên xe). Trước thắc mắc của luật sư gia đình nạn nhân về việc này, một cán bộ công an quận Cầu Giấy cho biết “nếu thấy cần thiết sẽ để bà Quy tham gia”.
Thực nghiệm hiện trường để làm gì?
Thực nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra tội phạm được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận hành vi, sự kiện, hiện tượng đó. Khi cần phải kiểm tra và xác minh các tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Có bốn loại thực nghiệm điều tra được tiến hành để kiểm tra lời khai của bị can, người bị hại,người làm chứng về quá trình diễn biến của sự việc xảy ra.
Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, vẽ sơ đồ. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại,người làm chứng cũng có thể tham gia. Đó là những trường hợp như: bị can phải diễn lại hành vi phạm tội; người bị hại hoặc người làm chứng mô tả trên hiện trường nơi mình có mặt về những gì mà họ đã biết.
Đại diện VKSND quận Cầu Giấy cho biết, việc thực nghiệm hành trình từ bãi đỗ xe về trường sẽ giúp cơ quan điều tra đánh giá lời khai những người liên quan, củng cố hồ sơ vụ án.
Đến 8h5 buổi thực nghiệm kết thúc. Luật sư đại diện của gia đình bé Long hy vọng bị can Quy sẽ có mặt trong buổi thực nghiệm buổi chiều bởi bà này sẽ giúp “làm rõ thông tin cần thiết, như xe dừng bao nhiêu phút, ở điểm nào, cháu nào ra khỏi xe”.
Luật sư bên bị hại gửi 6 kiến nghị
Lần đầu tiên, luật sư của gia đình bé Lê Hoàng Long gửi 6 kiến nghị cần làm sáng tỏ trong vụ án tại trường Gateway đến cơ quan tố tụng quận Cầu Giấy.
Trong đó:
- Đề nghị thu thập toàn bộ dữ liệu hệ thống camera lắp tại các vị trí ở cổng Trường Gateway, các hành lang, trong phòng học… để làm rõ quá trình của chiếc ôtô chở bé Long.
- Đề nghị khám nghiệm bên trong ôtô để thu thập các dấu vết để lại ở rèm cửa, trên balô và các vật dụng của cháu.
- Đề nghị thu thập tài liệu về trách nhiệm đưa đón, quản lý học sinh bao gồm người đưa đón học sinh, bộ phận tiếp nhận học sinh, các cô giáo của lớp L., người liên lạc, bộ phận quản lý, giám sát…
- Đề nghị thu thập nội dung các cuộc điện thoại, lấy lời trình bày của những người liên quan ngày xảy ra vụ việc, như ông Phiến, bà Quy, cô giáo chủ nhiệm lớp, người đàn ông trực tiếp bế cháu L. vào phòng y tế nhà trường…
- Đề nghị làm rõ lời khai của các học sinh đi cùng xe với cháu Long, đồng thời thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn về y khoa để phân tích các dấu hiệu lâm sàng trước khi chết của cháu.