Thủy ngân cháy có tác hại gì đến sức khỏe? Tại sao thủy ngân trong bóng đèn? Thủy ngân bay hơi bao lâu thì hết? Là những câu hỏi được đặt ra ngay lúc này, sau vụ cháy Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông ngày 28/8/2019.
Theo báo cáo nhanh của UBND Q.Thanh Xuân, khoảng 18 giờ ngày 28/8, kho chứa hàng của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra cháy lớn.
Tổng diện tích nhà kho, xưởng xảy ra cháy rộng khoảng 6.000 m2. Q.Thanh Xuân đã huy động 200 cán bộ chiến sĩ cùng 35 phương tiện để dập tắt vụ hỏa hoạn; di dời 58 hộ dân với 213 nhân khẩu ở dọc phố Hạ Đình ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hà Nội cũng đã điều động lực lượng PCCC của các quận, huyện hỗ trợ chữa cháy.
Theo thông tin từ Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, vụ cháy không gây thiệt hại về người; tài sản thiệt hại ước tính khoảng 150 tỉ đồng.
Đến khoảng 16 giờ hôm 29/8, lực lượng chức năng mới bắt đầu rút khỏi hiện trường vụ cháy xảy ra tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông(Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội).
Sáng qua, UBND P.Hạ Đình phát đi 1.000 thông báo cảnh báo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường vì bầu không khí đang bị nhiễm bẩn bởi khói bụi của đám cháy.
Đáng chú ý, thông báo đề nghị người dân chủ động vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc miệng bằng dung dịch Natri Clorid từ 7 – 10 ngày sau vụ cháy; sơ tán trẻ em, người già, người ốm ra khỏi khu vực từ 1 – 10 ngày để hạn chế tác hại của khói bụi; không sử dụng nước tại các bể chứa, thực phẩm, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong 2 ngày; tiêu hủy các loại trái cây tự trồng trong bán kính từ đám cháy 500 m…
Bên cạnh văn bản gửi cho các tổ dân phố, phường cũng phát loa tại khu dân cư, đề nghị các gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên, nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đến bệnh viện ngay.
Những bộ quần áo nhiễm khói bụi từ đám cháy cần được ngâm xà phòng nóng 70-80 độ trong vòng 30 phút, ngâm tiếp 20 phút với nước tẩy quần áo, rồi xả bằng nước sạch nhiều lần. Khu vực ngoại cảnh gồm bể nước, cây cối ban công, tường cửa cần được vệ sinh bằng nước xà phòng đặc 2-3 lần, và rửa lại bằng nước sạch nhiều lần.
PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá việc phường Hạ Đình cảnh báo “không dùng thực phẩm nuôi trồng trong bán kính một km tính từ vụ cháy” là phù hợp.
Ông cho hay cấu tạo của bóng đèn compact, đèn huỳnh quang bên ngoài là vỏ thủy tinh, nhựa, bên trong có hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím chiếu vào vỏ huỳnh quang. Khi bóng bị cháy, phần nhựa polyme có thể tách thành các phân tử monome (một loại chất độc hại), đồng thời thủy ngân, bột huỳnh quang bị nung trong nhiệt độ cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí.
Tất cả các loại chất này phát tán với nồng độ cao sẽ gây hại sức khỏe con người với các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở… Trong đó, thủy ngân là kim loại nặng độc hại, tích lũy dần trong cơ thể và khó đào thải. Nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng cao có thể gây thiếu máu cùng hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác.
“Một vài bóng đèn compact, huỳnh quang vỡ cháy không gây ảnh hưởng nhưng hàng vạn bóng đèn cùng vỡ sẽ gây tác động rõ ràng. Tôi cho rằng cần có khảo sát sớm về số lượng bóng đèn bị vỡ, hàm lượng thủy ngân trong mỗi bóng bao nhiêu để người dân yên tâm, tránh gây hoang mang”, PGS Côn nói. Ông đề nghị nhà chức trách sớm lấy mẫu để đánh giá lượng thủy ngân tồn đọng trên mặt đất, lá cây, nguồn nước mặt trong khu vực.
Thủy ngân cháy là như thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng Mỹ, thủy ngân không cháy. Bản thân thủy ngân không cháy, nhưng nó có thể phản ứng khi đun nóng để tạo ra khói ăn mòn và / hoặc khói độc hại. Lửa sẽ tạo ra các khí độc hại, ăn mòn và / hoặc độc hại.
Theo một nghiên cứu của Đại học Vermont, Mỹ, thủy ngân có thể tồn tại ở 4 dạng. Kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi. Methyl thủy ngân (MeHg) có thể ngấm vào cơ thể khi con người ăn một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn, như cá mập, cá kiếm, cá vược và cá chó.
Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể.
Dạng cuối cùng là thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa.
Thủy ngân phát tán trong môi trường không khí chủ yếu là do quá trình đốt các vật liệu chứa thủy ngân như: pin, quá trình làm nóng chảy kim loại, quá trình phá đất – đá tự nhiên, quá trình đốt cháy nguyên liệu hóa thạch… Ngoài ra, một số đồ vật quen thuộc thường chứa thủy ngân gồm: đèn huỳnh quang, đèn neon, thiết bị sưởi và làm nóng, nhiệt kế, dung môi phòng thí nghiệm và hỗn hợp hàn răng trong phòng khám nha khoa.
Thủy ngân xâm nhập vào nguồn nước ngầm, nước ao hồ, sông suối chủ yếu là do các nguyên nhân sau:
Các nhà máy, xí nghiệp xả các chất thải nguy hiểm chứa thủy ngân hoặc các kim loại nặng khác chưa qua xử lý ra môi trường. Lượng nước thải này sẽ dần ngấm sâu vào trong lòng đất, làm ô nhiễm môi trường đất và mạch nước ngầm.
Ngành nông nghiệp công nghiệp hóa sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật chứa các hóa chất độc hại trong đó có thủy ngân, làm thủy ngân từ đất trồng ngấm vào nguồn nước ngầm.
Vứt các thiết bị, vật dụng có chứa thủy ngân một cách bừa bãi
Thủy ngân trong không khí được nước mưa rửa trôi, lượng nước mưa đó sẽ chảy vào các hồ ao, sông suối, sông ngòi…
Tại sao thủy ngân trong bóng đèn?
Website của Công ty Rạng Đông cho biết bóng đèn compact có sử dụng thủy ngân.
Nguyên lý của bóng đèn Compact là phóng điện trong môi trường khí áp suất thấp. Thủy ngân là yếu tố cần thiết trong bóng đèn compact. Tuy nhiên người ta qui định hàm lượng tối đa trong đèn compact (tùy theo từng loại công suất).
Thông thường người ta sử dụng thủy ngân lỏng. Trong trường hợp bóng đèn bị vỡ thủy ngân có thể rơi ra ngoài môi trường, có thể ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe khi tiếp xúc phải (trường hợp bóng không vỡ thì không bị sao).
Ngày nay với sự phát triển khoa học công nghệ, thủy ngân lỏng được thay thế bằng viên thủy ngân Amalgam (thủy ngân được bọc trong lớp vỏ kim loại). Sử dụng viên Amalgam giúp an toàn, bảo vệ môi trường và kiểm soát tốt lượng thủy ngân trong đèn. Khi bóng đèn vị vỡ có thể thu hồi viên amalgam dễ dàng và không ảnh hưởng đến môi trường.
Đối với Rạng Đông, bóng đèn compact của Rạng Đông sử dụng 100% viên amalgam nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.
Amalgam là một trong các vật liệu hàn răng khá phổ biến, đã được sử dụng hơn 150 năm cho hàng triệu bệnh nhân trên khắp thế giới. Amalgam còn có được biết đến là “trám bạc” vì có màu giống như mảnh bạc. Tuy nhiên, thành phần chính để tạo nên vật liệu hàn răng amalgam là thủy ngân (chiếm khoảng 50% – dạng lỏng), chỉ có 20-35% là bạc, còn lại là các kim loại khác như đồng, thiếc và kẽm.
Trong điều kiện bình thường, khi bóng đèn vỡ thì thủy ngân được bao bọc trong viên amalgam nên không phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, trong vụ cháy vừa qua, ở nhiệt độ cao như vậy thì các kim loại bạc, đồng, thiếc, kẽm cũng tan chảy nên thủy ngân sẽ bị phát tán ra môi trường.
Thủy ngân bay hơi bao lâu thì hết?
Thủy ngân bay hơi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhiệt độ và vỏ đựng được niêm phong tốt như thế nào. Áp suất hơi thủy ngân ở nhiệt độ phòng khá thấp và thủy ngân khá nặng không giúp khuếch tán nên sự bốc hơi rất có thể rất chậm (ít nhất là vài tuần nếu không phải vài tháng hoặc năm).
Hoàng đế Tần Trung Quốc đã được chôn cất rất nhiều thủy ngân trong lăng mộ của mình và 2000 năm sau, và mặc dù thủy ngân đã bốc hơi, không khí bên trong lăng mộ vẫn bị nhiễm độc với mức thủy ngân cao.