Một số trường hợp đã tiêm phòng sởi nhưng vẫn bị sởi. Tại sao lại như vậy?
Do đáp ứng miễn dịch của cơ thể khi tiêm vắcxin chưa đủ mạnh nên vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù rất hiếm gặp và thông thường các triệu chứng của những trường hợp này thường nhẹ hơn.
Chương trình tiêm chủng mở rộng trước đây, chỉ cần tiêm một liều vắcxin sởi đã đủ tạo ra miễn dịch cao và bền vững. Tuy nhiên, khi số ca mắc sởi trong cộng đồng tăng lên, một số nơi xuất hiện ổ dịch, một số trường hợp đã tiêm vắcxin nhưng cơ địa vẫn không đáp ứng đủ miễn dịch bảo vệ.
Một số trường hợp trẻ đã tiêm tối thiểu hai liều vắcxin sởi mà vẫn mắc bệnh có thể do trẻ có cơ địa miễn dịch đặc biệt hoặc do trẻ đang trong giai đoạn uống một số loại thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ corticoid…) khiến việc tiêm vắcxin tạo miễn dịch không hiệu quả.
Trẻ đã tiêm vắcxin nhưng vẫn mắc sởi thường do tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy định; hoặc do cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang bị một số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm virus nặng.
Ngoài ra, nếu bảo quản vắcxin chưa tốt và cách tiêm không đúng cũng khiến việc tiêm phòng không hiệu quả.
Ở những trẻ không được tiêm phòng hoặc một thời gian sau khi tiêm phòng, nồng độ kháng thể giảm dần và thấp dưới ngưỡng bảo vệ, vi khuẩn, virus có thể xâm nhập gây bệnh.
Việc tiêm phòng sởi là biện pháp để chủ động phòng sởi. Dù thế nào chăng nữa thì tiêm phòng sởi cho trẻ em là một hành động thiết yếu của bố mẹ bảo vệ con cái của mình./.