Tình cũ khó quên vì nó như một công việc chưa làm xong, trương lực vẫn còn đó và ở trong não, điểm hưng phấn của công việc chưa trọn vẹn in dấu mãi không mất đi được.
Trong cuộc đời mỗi người, để đến với một cuộc hôn nhân trọn vẹn, chúng ta thường để lại sau mình một vài mối tình không thành. Song người ta thường nhớ mãi mối tình dang dở ấy. Các nhà tâm lý học cuối cùng cũng tìm ra lời giải cho hiện tượng này.
Họ cho rằng khi đang suy nghĩ hay làm gì đó, chúng ta huy động toàn bộ tâm sức để hoàn thành công việc, nghĩa là chúng ta đang ở tình trạng “tổng động viên”. Tuy nhiên, khi công việc xong, cơ thể như trút được gánh nặng và có tâm lý “xả hơi”, hệ thống trương lực của cơ thể như chùng xuống. Trái lại, đối với các công việc chưa làm xong, trương lực vẫn còn đó và ở trong não, điểm hưng phấn của công việc chưa trọn vẹn in dấu mãi không mất đi được, thành thử người ta khó quên. Đây được gọi là hiệu ứng Zeigarnik.
Chính vì hiệu ứng này, có người suốt cuộc đời nhớ một câu dặn dò tắc nghẹn của người bạn khi chia tay, nhớ mãi một ước mơ không thành, hoặc một cuộc hẹn hò dang dở. Có những người ghi vào sổ tay những việc cần làm, nhưng rồi lại quên nó, bởi khi ghi vào sổ tay, đã yên tâm là sẽ không quên, thì nó lại bị lãng quên. Có học sinh học thuộc lòng tất cả các câu hỏi thi, vậy mà đến lúc thi lại quên hết, hoặc rơi rụng đi, chẳng còn lại bao nhiêu. Trong trường hợp này chính tâm trạng trút gánh nặng, tâm lý “xong rồi” đã làm chúng ta quên đi những điều đã học.
Cũng bởi hiệu ứng Zeigarnik nên người ta thường nhớ lại những mối tình chưa trọn vẹn, khi hai người yêu nhau nhưng chưa khám phá nhau nhiều, ít ai nhớ những mối tình đã “no xôi chán chè”. Người ta nhớ mãi lần tỏ tình đầu tiên khi cô gái ngập ngừng, không ra nhận lời cũng chưa hẳn từ chối. Ai nhớ làm gì sự chấp nhận rõ ràng hay lời từ chối thẳng thắn. Từ chối thẳng người ta sẽ bỏ đi ngay, nhận lời ngay thì làm người ta có cảm giác “hụt hẫng” và như trút tiếng thở phào, “Cũng dễ thôi, thế mà mình cứ tưởng…”.
Cũng chính vì vậy mà một số người ngộ nhận những mối tình hụt, những mối tình thưở học trò là những gì đẹp nhất. Không hẳn như thế. Chính tâm lý “con cá mất là con cá to” đã làm cho một số người khi không hài lòng với cuộc sống hiện tại, có xu hướng mơ về những cái đã qua. Nếu chỉ mơ ước thì cũng chẳng tai hại gì lắm. Nhưng từ sự suy nghĩ rằng “đấy mới là tình yêu đẹp” rồi tìm cách nối kết, quay trở lại với nhau… thì có thể trở thành nguyên nhân của bao khổ đau và thất vọng. Hãy nhớ những mối tình cũ chỉ đẹp khi nó dang dở, chứ khi ta cố gắng làm cho nó trở nên thành đầy đủ, trọn vẹn, nó sẽ chóng bị lãng quên.
Trong cuộc sống có bao nhiêu điều chúng ta cần vận dụng hiệu ứng Zeigarnik. Trước khi làm việc, trao đổi với người khác, muốn để lại ấn tượng ghi nhớ cho đối phương, ta không nên nói hết những điều mình nghĩ, mình dự định. Cần vận dụng cách nói sao cho có đôi chỗ lấp lửng, đa nghĩa để người nghe phải đoán… như thế sẽ làm họ nhớ ta lâu hơn. Trong học tập cũng đừng bao giờ tạo cho mình cảm giác thoả mãn, mà bao giờ cũng khát khao hiểu biết hơn. Nếu học hành mà không phải một sự khát khao, mà chỉ là sự bắt buộc để thi, thì sau khi thi xong, tất cả lại quên hết.