Tòa án nhân dân cấp cao là gì? Tòa án nhân dân cấp cao là tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm theo lãnh thổ trên địa bàn được phân công.
Có 3 tòa án nhân dân cấp cao gồm: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM.
Theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao như sau:
1. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
2. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng”.
Tòa án nhân dân cấp cao khác Tòa án nhân dân tối cao thế nào?
Điều 3, Luật tổ chức Toà án nhân dân (TCTAND) năm 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2015 và thay thế cho Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002) quy định, Toà án nhân dân gồm bốn cấp:
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân cấp cao (có 3 tòa cấp cao);
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Toà án quân sự.
Thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của TAND cấp huyện và cấp tỉnh thì vẫn giữ như hiện nay.
Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bằng Hội đồng 3 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Như vậy TAND Cấp cao sẽ làm phần lớn nhiệm vụ của TAND tối cao hiện nay.
Vậy TAND Tối cao làm gì? Tòa án nhân dân tối cao không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác.
Tòa này xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tòa này sẽ có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về tổ chức; xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tòa còn có nhiệm vụ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án.
Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.
Điều này có nghĩa Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.