Tử cung đôi là gì? Thông thường, người phụ nữ có 1 tử cung và 2 buồng trứng, 1 cổ tử cung và 1 âm đạo. Tuy nhiên, có trường hợp hiếm gặp một người có hai tử cung.
Cuối tháng 5/2019, các BS bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện can thiệp phẫu thuật cho 2 trường hợp dị tật sinh dục ở 2 bé gái. Trường hợp thứ nhất là L.T.T (15 tuổi) ngụ tại Kon Tum có kinh lần đầu từ 02/2019 nhưng đến tháng 05/2019, L.T.T thấy đau bụng liên tục và ra ít huyết âm đạo. Khi đi khám, bé gái được uống thuốc giảm đau nhưng cơn đau tăng dần nên bé được chuyến đến BV Từ Dũ.
Trường hợp thứ 2 là chị N.T.K.N (18 tuổi) ngụ tại Kiên Giang. Có kinh đã được 2 năm nhưng 6 tháng gần đây chị N lại đau bụng khi hành kinh càng lúc càng nhiều. Khi uống thuốc không làm giảm được cơn đau, chị N đi khám tại BV Từ Dũ. Với cả 2 trường hợp siêu âm và chụp MRI ghi nhận được họ đều có 2 tử cung và 1 trong 2 tử cung chứa khối máu ứ kích thước lớn. Một vách ngăn chạy dọc theo âm đạo rồi dính xiên vào thành âm đạo, chặn đường thoát máu kinh trongtử cung này. Khối máu đó căng tràn ứ vào vòi trứng.
Để giải quyết cơn đau cho BN, các BS đã tiến hành một cuộc phẫu thuật kép với 2 ê kíp: kíp nội soi ổ bụng thám sát cấu trúc bộ máy sinh dục, khẳng định các chẩn đoán trước mổ, dẫn đường cho ê kíp phụ khoa xác định vị trí thoát máu ứ. Thông thường, người phụ nữ có 1 tử cung và 2 buồng trứng, 1 cổ tử cung và 1 âm đạo. Tuy vậy, những rối loạn quá trình phát triển trong bào thai của bé gái khiến bộ máy sinh dục trở nên bất thường, gây các dị tật như không có âm đạo hoặc 2 âm đạo, không có tử cung hoặc có 2 tử cung, âm đạo có vách ngăn…
Một số phụ nữ còn bị tình trạng chỉ có 1 quả thận. Với 2 trường hợp vừa được phẫu thuật đường ra kinh của 1 trong 2 tử cung bị chặn lại gây nên khối ứ máu to ở tử cung, vòi trứng. Máu ứ này thỉnh thoảng còn bị chẩn đoán nhầm với khối u của buồng trứng. Đau bụng khi hành kinh ở các bé gái có thể chỉ là các cơn đau tâm lý ở tuổi dậy thì nhưng nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ của các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung buồng trứng hay vùng chậu, ứ máu kinh do dị tật bẩm sinh hay do màng trinh dày, bít… Nên cho các em đi khám để có can thiệp khi cần thiết.
Thông tin tham khảo thêm:
Tử cung đôi là gì?
Tử cung (dạ con) là một bộ phận sinh sản của phụ nữ, một cơ quan nội tạng có hình quả lê lộn ngược. Tử cung đôi là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp, điển hình cho các bất thường ở tử cung (bao gồm: dị dạng tử cung, tử cung hình vòm, tử cung hai sừng…).
Tử cung đôi là tử cung có 2 buồng tử cung riêng biệt, mỗi buồng có thể dẫn đến cổ tử cung và âm đạo. Điều này có nghĩa phụ nữ bị tử cung đôi sẽ có 2 tử cung và 2 âm đạo riêng biệt cùng 2 ống dẫn trứng.
Với thai phụ có tử cung đôi, các nhánh động mạch nuôi dưỡng thai nhi sẽ bị phân tán, lòng tử cung bị hẹp, tử cung co giãn không tốt dễ dẫn đến tình trạng sảy thai, thai nhi chậm phát triển hay thậm chí là thai chết lưu, sinh non.
Nguyên nhân nào dẫn đến tử cung đôi
Tử cung đôi là một bất thường ở tử cung xảy ra khi bào thai còn trong bụng mẹ. Tử cung của thai nhi được hình thành trong suốt quá trình phát triển của phôi thai bởi sự sát nhập hai ống dẫn song song, tạo thành một tạng rỗng gọi là tử cung.
Nếu quá trình sát nhập này diễn ra suôn sẻ sẽ tạo thành một tử cung hoàn toàn bình thường. Nếu quá trình sát nhập này xảy ra bất thường sẽ xuất hiện tình trạng tử cung đôi hoặc tử cung hai sừng.
Nguyên nhân của tình trạng sát nhập không hoàn toàn này hiện vẫn chưa tìm ra được. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố di truyền có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất thường ở tử cung hiếm gặp này.
Người có tử cung đôi có thể có một cổ tử cung và một âm đạo hoặc mỗi buồng tử cung có thể có một cổ tử cung riêng biệt. Trong nhiều trường hợp, tử cung đôi có vách ngăn xuất hiện dọc theo âm đạo chia âm đạo thành 2 ngả riêng biệt.
Những phụ nữ có tử cung đôi thường ít gặp khó khăn trong việc mang thai. Nhưng bất thường này ở tử cung lại có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non, thậm chí là vô sinh.