Viêm phổi cấp là quá trình viêm và đông đặc của nhu mô phổi do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, mycoplasma…) diễn biến cấp tính. Viêm phổi cấp là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cũng rất cao nếu bệnh nhân sức đề kháng kém.
Nguyên nhân viêm phổi cấp
Bệnh xảy ra khi hàng rào bảo vệ của chủ thể bị suy yếu, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào phổi. Về nguyên nhân gây viêm phổi cấp tính, có thể kể đến 4 thủ phạm sau:
Virus, vi khuẩn: Do sự xâm nhập của các vi khuẩn điển hình (Gram âm, Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae…) và vi khuẩn không điển hình (Legionella SP, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae…). Ngoài ra, viêm phổi cấp có thể xảy ra do một số loại virus như Adenovirus, Influenza, Parainfluenza… chiếm 2-15%.
Cúm A H5N1: H5N1 là một loại virus cúm gia cầm có độc lực rất cao, dễ gây suy giảm hô hấp và viêm phổi cấp tính. Người bệnh bị H5N1 tấn công có thể tử vong nếu thể trạng và khả năng miễn dịch kém.
Suy giảm miễn dịch: Bệnh nhân bị thiếu hụt globulin, bạch cầu hạt; người ghép tạng; người HIV/AIDS… thường có hệ miễn dịch kém nên vi khuẩn, virus dễ xâm nhập và tấn công.
Nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân viêm phổi cấp kể trên thì khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất, nấm mốc… chế độ ăn uống, sinh hoạt không đúng cách… cũng tạo điều kiện để bệnh hình thành và phát triển.
Viêm phổi cấp do chủng virus mới tại Trung Quốc
Tính đến ngày 10/1/2020, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp, trong đó có một trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc đều ở thành phố Vũ Hán, chưa có bằng chứng rõ ràng lây truyền từ người sang người, chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế bị mắc bệnh.
Kết quả xét nghiệm cho thấy đã có 41 trường hợp dương tính với chủng virus mới của coronavirus (bao gồm cả trường hợp tử vong).
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Dấu hiệu viêm phổi cấp
Dấu hiệu viêm phổi cấp ban đầu thường khá âm thầm và dễ nhầm lẫn. Dưới đây là một số biểu hiện của bệnh viêm phổi cấp tính chúng ta cần cảnh giác:
Giai đoạn đầu: Bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu giống như cảm lạnh, cúm, bao gồm chảy nước mũi, ho, hắt xì hơi, sốt nhẹ và người khó chịu, mệt mỏi.
Giai đoạn giữa: Khi không được phát hiện, người bệnh viêm phổi cấp sẽ phải đối mặt với nhiều biểu hiện như ho có đờm, ho dính máu, đau tức ngực khi ho, sốt cao, ớn lạnh, nhịp thở nhanh, buồn nôn, tiêu chảy thậm chí kèm theo mê sảng, mất nhận thức.
Giai đoạn nặng: Bệnh viêm phổi cấp biến chứng khi vi khuẩn, virus xâm nhập và lan rộng khắp thùy phổi, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng khó thở nghiêm trọng, mạch nhanh, tím môi, khạc đờm có mủ, sốt dai dẳng, viêm màng ngoài tim, thậm chí tràn mủ màng phổi.
Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, ho, khó thở, và đau ngực. Vì mỗi loại viêm phổi cụ thể có thể do một nguyên nhân gây bệnh và cơ chế gây bệnh khác nhau gây ra nên mỗi nhóm phụ cũng có các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu, và triệu chứng đặc trưng.
Viêm phổi cấp uống kháng sinh gì?
Khi bị viêm phổi cấp, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện điều trị gấp. Tại đây, bác sĩ sẽ cho sử dụng kháng sinh:
- Kháng sinh: Mức độ bệnh nhẹ có thể dùng Amoxicillin và Doxycyclin (hoặc Clarithromycin) dạng viên uống, trường hợp tổn thương mức độ vừa sẽ kết hợp thêm Amoxicillin dạng tiêm tĩnh mạch. Trường hợp viêm phổi cấp nặng hơn, kháng sinh nên được sử dụng càng sớm càng tốt, trong đó Co-amoxiclav, Benzylpenicillin hoặc Cefuroxim dạng tiêm tĩnh mạch là các loại kháng sinh cần thiết.
- Thuốc giảm dấu hiệu: Bệnh nhân viêm phổi cấp tính sẽ được sử dụng thêm thuốc giảm ho, đau ngực, bù nước và điện giải để kiểm soát các triệu chứng của bệnh một cách hiệu quả.
- Thuốc chữa viêm phổi cấp kháng virus: Tùy vào loại virus gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.