Việt Nam chỗ nào có vàng? Cho đến nay chưa có đề án điều tra một cách tổng thể về khả năng khai thác vàng và trữ lượng trên toàn Việt Nam. Khả năng khai thác vàng sa khoáng ở Việt Nam rất lớn, xuất hiện rất nhiều trên các sông, suối trải dài ở cả ba miền.
Trong khi đó, khai thác vàng gốc mới đem lại giá trị cao. Nhưng điều đáng chú ý là khai thác được vàng sa khoáng thì đương nhiên ở khu vực đó phải có vàng gốc. Thông thường hàm lượng 2 gr vàng/tấn quặng là có thể tiến hành khai thác.
Cả nước có gần 500 điểm quặng vàng và mỏ vàng gốc
Năm 2006, theo TTXVN trích dẫn báo cáo của Bộ Công nghiệp cho biết, cả nước hiện đã phát hiện gần 500 điểm quặng và mỏ vàng gốc (quặng vàng thực thụ và các loại quặng khác có chứa vàng), trong đó có gần 30 nơi đã được tìm kiếm thăm dò và đánh giá trữ lượng với số lượng khoảng 300 tấn vàng. Các mỏ vàng gốc tập trung tại miền núi phía Bắc.
Vùng có biểu hiện khoáng hóa vàng khá tập trung ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình) như Cao Răm, Da Bạc, Kim Bôi… với tổng trữ lượng khoảng 10 tấn. Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, đây là vùng vàng có triển vọng cần được đầu tư khảo sát, thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến và hình thành khu công nghiệp vàng có công suất khoảng 1 tấn vàng/năm.
Vùng Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, bao gồm các mỏ Pắc Lạng, Khau Âu (Bắc Kạn), mỏ Bồ Cu (Thái Nguyên) và Nam Quang (Cao Bằng); trong đó, mỏ vàng Pắc Lạng đã được Công ty BRGM (Pháp) dự báo có 30 tấn. Mỏ vàng Bồ Cu đã được đánh giá ở phần nông có trữ lượng 1.700 kg.
Vùng Nà Pái (Lạng Sơn) có diện tích phân bổ rộng nhưng hàm lượng nghèo. Toàn vùng dự báo có đến 30 tấn vàng, trong đó khu vực trung tâm Nà Pái tuy đánh giá trữ lượng 3,3 tấn vàng nhưng ta chưa có khả năng khai thác vì vàng ở đây hạt nhỏ, công nghệ thu hồi phức tạp.
Quảng Nam có hai mỏ vàng lớn là Bồng Miêu và Phước Sơn. Ở Tây nguyên có huyện Đắk Glei tỉnh Kon Tum có vàng, nhưng dạng sa khoáng.
Theo Bộ Công nghiệp, công nghệ khai thác, chế biến vàng của các doanh nghiệp trong nước (kể cả Liên doanh Na Rì Việt-Nga) nhìn chung đều lạc hậu; hệ số thu hồi vàng chỉ đạt 30-40%. Vì vậy, hiệu quả kinh tế đạt thấp, tổn thất tài nguyên lớn. Hiện nay, tại các vùng núi phía Bắc, tất cả các cơ sở khai thác vàng đều đã đóng cửa.