Virus corona bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là một thuyết âm mưu trên mạng, trong đó nổi lên nhân vật Thạch Chính Lệ, thuộc Viện virus học Vũ Hán được cho là tác giả.
Ngày 2/2 trên trang Weibo cá nhân, bà Thạch Chính Lệ khẳng định 2019-nCoV là “sự trừng phạt của tự nhiên vì thói ăn uống và phong tục mọi rợ của con người” và sẵn sàng “đánh cược mạng sống rằng đợt bùng phát dịch bệnh này không dính líu gì tới phòng thí nghiệm Vũ Hán”. Bà Thạch nói chung chung như vậy nên cũng không giúp giải thích được chính xác virus corona có nguồn gốc từ đâu.
Trường hợp nhiễm coronavirus (2019-nCoV) đầu tiên được báo cáo từ Vũ Hán (Trung Quốc) hôm 31/12/2019. Nhiều bệnh nhân ban đầu được cho là có liên quan đến Chợ bán buôn hải sản Hua Nan, một chợ hải sản và động vật lớn trong thành phố, cách phòng thí nghiệm 32km. Nhưng kể từ đó, một số lượng lớn người đã nhiễm virus mà không tiếp xúc với chợ này. Chợ đã đóng cửa vào ngày 1/1 /2020, để “vệ sinh và khử trùng môi trường”, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Các quan chức y tế tin rằng virus ban đầu được truyền từ động vật sang người, nhưng hiện đang xảy ra việc lây truyền từ người sang người như bệnh cúm.
Bà Thạch Chính Lệ là người được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới (2019-nCoV) bùng phát trên toàn thế giới. Nhà khoa học 56 tuổi thuộc Viện virus học đặt tại Vũ Hán được mô tả như tác giả của loại virus đã cướp đi mạng sống của hơn 360 người và khiến hơn 17.300 người mắc bệnh tính đến ngày 3/2/2020.
Trong số nhiều thuyết âm mưu trên mạng xã hội, nổi lên một thuyết rằng phòng thí nghiệm của bà Thạch nhận được lệnh tạo ra 2019-nCoV như một loại vũ khí sinh học cho quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, loại virus này đã bị rò rỉ ra ngoài phòng thí nghiệm và lây sang người.
Một số tờ như Daily Mail, Washington Times còn mô tả phòng thí nghiệm Vũ Hán là phòng thí nghiệm cấp độ an toàn sinh học cấp IV – cấp cao nhất được thiết kế để chứa và nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới Ebola, đậu mùa, sốt Lassa và virus Marburg.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), 2019-nCoV có cùng họ với virus gây dịch SARS năm 2003 tại Trung Quốc. Thạch Chính Lệ là người có rất nhiều kiến thức về SARS và đã từng xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, chỉ ra dơi là vật chủ của nhiều mầm bệnh, trong đó có SARS.
Chợ động vật hoang dã Vũ Hán – nơi phát hiện các bệnh nhân đầu tiên, tiêu thụ rất nhiều dơi khiến một số nhà khoa học cũng nghi ngờ dơi là động vật đã truyền virus corona sang người.
Hiện bà Thạch vẫn nằm trong nhóm nghiên cứu cách điều trị 2019-nCoV. Theo tờ China Daily, bà Thạch là người đã phát hiện ra nCoV có thể xâm nhập vào tế bào thông qua thụ thể ACE2 và có thể có nguồn gốc từ dơi.
Cũng theo báo này, các thuyết âm mưu bắt đầu nở rộ sau một bài báo của các nhà khoa học Ấn Độ, trong đó ám chỉ Trung Quốc đã đưa gene của virus HIV vào virus corona để tạo ra 2019-nCoV. Bằng chứng là các phương pháp điều trị HIV đã phát huy tác dụng khi được sử dụng cho các bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV.
Bài viết ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều nhà khoa học thế giới, buộc tạp chí đăng bài phải rút xuống vào ngày 2/2. Tuy nhiên, nhiều tờ báo lá cải đã kịp trích dẫn bài viết này để củng cố cho các thuyết âm mưu.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý hôm 28/1 đã bác bỏ mọi thuyết âm mưu, khẳng định Bắc Kinh sẽ minh bạch trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến dịch bệnh và hợp tác với thế giới.
Đến nay, chưa có thuốc đặc trị virus corona mặc dù đã có hàng trăm bệnh nhân nhiễm virus corona được chữa khỏi và ra viện. Tại Việt Nam, tính đến ngày 3/2/2020, có hai bệnh nhân đã khỏi bệnh, tuy nhiên phác đồ điều trị chưa được công bố. Trong khi đó, tại Thái Lan, các bác sĩ đã kết hợp thuốc điều trị cúm và HIV chữa thành công một bệnh nhân nhiễm virus corona.
“Người ta cho rằng nguồn gốc lây lan virus này cho đến nay chưa rõ. Khi giải trình tự gene thì 90% chủng giống corona trên các loài dơi, nhưng người ta chứng minh là mùa này Vũ Hán không có dơi mà nó lây qua một vật chủ trung gian nào đó – các chuyên gia y tế Việt Nam cũng cho rằng vật chủ là loài có vú. Ở đây có thể lây qua đường đó mà các nhà khoa học chưa tìm ra được. Nhưng rất may con vật nuôi ở nhà là không lây. Bởi vì nếu có người ta phát hiện được ngay. Nhưng người ta khuyến cáo, chăm sóc chó mèo phải phòng tránh bệnh khác chứ không phải phòng tránh corona”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long nói tại cuộc họp báo chiều ngày 5/2/2020.