Wilhelm Furtwängler bắt đầu sáng tác năm 17 tuổi, và 20 tuổi bước lên bục chỉ huy dàn nhạc.
Những thành công bước đầu đã đủ sức đưa Furtwängler vào vị trí giám đốc âm nhạc nhiều dàn nhạc ở Lübeck, Mannheim, Frankfurt, Vienna năm 1911 và 1921.
Ở tuổi 35, tài năng của ông bắt đầu nở rộ, trở thành nhạc trưởng hai dàn nhạc lớn Berlin Philharmonic và Leipzig Gewandhaus Orchestra, sau đó là vị trí giám đốc âm nhạc của Vienna Philharmonic.
Khi Hitler lên nắm chính quyền vào năm 1933, bất chấp niềm tự hào về di sản Đức của mình, Furtwängler trở thành người đối đầu chính quyền Đức quốc xã và từ chối mọi lời chào mời, ngay cả từ chính Hitler.
Năm 1933, ông viết một bức thư công khai tới Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Goebbels của Đức quốc xã để phản đối chính sách bài Do Thái.
Năm 1934, khi Mathis de Maler của Hindemith bị cấm diễn, Furtwängler đã đơn phương từ chối các hợp đồng biểu diễn, hỗ trợ các nhạc công Do Thái bị chính quyền bức hại, không tham gia các buổi hòa nhạc trong khu vực bị Đức quốc xã xâm chiếm.
Tuy nhiên, những đánh giá về thái độ chính trị của Furtwängler rất trái chiều, thậm chí có nhiều người kết tội ông là người đồng cảm với Đức quốc xã thông qua một số hoạt động của ông dưới thời Hitler.
Sau chiến tranh, Khối Liên minh đã phải xóa tội danh này cho ông.
Năm 1949, dàn nhạc Chicago Symphony Orchestra định mời Furtwängler nhưng ban giám đốc đã nhanh chóng rút lại lời mời sau sự phản đối của nhạc công.
Từ đó đến cuối đời, ông chỉ biểu diễn tại châu Âu và qua đời tại Baden-Baden năm 1954. Theo lời kể của vợ ông, Furtwängler chết trong u sầu và phiền muộn giữa những nỗi giằng xé về di sản./.