Ngày nay, mối quan hệ gần gũi giữa các đồng nghiệp là điều khó tránh khỏi và xu hướng có chồng hoặc vợ lẽ từ công sở xuất phát từ đó.
Ben Friberg biết đồng nghiệp của mình là một người đặc biệt khi cả hai trò chuyện về thần thoại Hy Lạp.
Ông vừa được nhận vào làm nhiếp ảnh gia tại một đài truyền hình ở Austin, Texas, vào năm 2007, và đang cùng với một phóng viên chờ phỏng vấn khách mời.
“Khi đó chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn ‘tìm hiểu nhau’,” Friberg nói. Họ bắt đầu thảo luận về bộ phim Troy, và đồng nghiệp của ông chỉ ra những điểm thiếu nhất quán giữa bộ phim và Iliad, câu chuyện mà nó dựa trên.
“Khi đó tôi đã nghĩ rằng ‘đây sẽ là một mối quan hệ đặc biệt,'” Friberg nói.
Ông đang nói về ‘người phối ngẫu trong công việc’, một mối quan hệ quan trọng nhưng thuần khiết, trong sáng tại công sở.
Những chuẩn mực lâu nay quy định rằng các đồng nghiệp không nên quá gần gũi nhau, thế nhưng sự thay đổi ở môi trường làm việc đang khiến những chuẩn mực đó trở nên vô giá trị.
Ngày nay, mối quan hệ gần gũi giữa các đồng nghiệp là điều khó tránh khỏi, và nhiều người trong chúng ta có ‘vợ trong công việc’, hay ‘chồng trong công việc’.
Trang web hướng nghiệp chỉ ra rằng kể từ năm 2010, mỗi năm có khoảng 30% người được khảo sát nói họ có ‘người phối ngẫu trong công việc’, và trong năm 2013 con số này là 44%.
Thế nhưng điều gì khiến những ‘người phối ngẫu trong công việc’ này khác biệt với các đồng nghiệp khác, và vì sao ‘hôn nhân trong công việc’ lại trở nên phổ biến như vậy?
Chad McBride, giáo sư về nghiên cứu giao tiếp tại Đại học Creighton ở Nebraska, Hoa Kỳ và Karla Mason Bergen, phó giáo sư về nghiên cứu giao tiếp ở Đại học Saint Mary, Nebraska, đã tìm cách định nghĩa khái niệm này khi họ bắt đầu nhìn thấy nó ngày càng nhiều trên TV.
Khái niệm này thường được sử dụng để miêu tả mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và bà Condoleezza Rice, ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia của ông.
Năm 2015, họ đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến đối với 276 người. Dựa trên kết quả thu về, họ định nghĩa mối quan hệ vợ chồng trong công việc là một ‘tình bạn đặc biệt, thuần khiết với một đồng nghiệp. Người đó có tình cảm đặc biệt với bạn, sẵn sàng dành cho bạn sự ủng hộ, sự chia sẻ cũng như sự tin tưởng. Họ luôn thành thật, trung thành và tôn trọng bạn.”
Nói cách khác, mối quan hệ này mạnh mẽ hơn những quan hệ khác ở công sở và có nhiều điểm tương đồng với hôn nhân thật sự, có điều không bao gồm những yếu tố lãng mạn.
Chỉ có hai người trong khảo sát của McBride và Bergen nói họ có quan hệ lãng mạn hoặc đang tán tỉnh người phối ngẫu trong công việc của mình.
Trong nghiên cứu của McBride và Bergen, những người tham gia nói họ hay chia sẻ với người bạn đời trong công việc những khía cạnh giống nhau về cá tính, ví dụ như sự hài hước hoặc trí tuệ và họ cảm thấy có thể dành sự tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối.
Một số người nói mối quan hệ này đã giúp cải thiện công việc của họ cũng như giúp tăng hiệu suất. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn nhận thấy những người có ‘người phối ngẫu trong công việc’ thường trung thành với công ty và đam mê công việc hơn.
Friberg nói ông và người vợ trong công việc của mình hợp nhau đến nỗi quản lý của họ giao cho họ nhiều dự án riêng.
“Nó giúp bạn làm việc vô cùng hiệu quả,” ông nói.
Điều kiện phù hợp
Mối quan hệ vợ chồng trong công việc có thể được xem là do ranh giới ngày càng mờ nhạt giữa công việc và đời sống gia đình, Rick Lash, một thành viên cao cấp chuyên phụ trách mảng tư vấn khách hàng tại văn phòng Toronto của hãng tư vấn nhân sự Korn Ferry Hay Group, nói.
Công nghệ và khả năng làm việc từ nhà đã khiến hai khái niệm này ngày càng khó phân biệt, khiến cho chúng ta mang đời sống gia đình đến công sở, và ngược lại, ông nói.
“5 năm trước có lẽ tất cả chúng ta sẽ cảm thấy hoảng hốt nếu nghe tiếng chó sủa trong một cuộc họp qua video,” Lash nói. ‘Ngày nay, điều đó giúp rút ngắn khoảng cách trong quan hệ.”
Trong những năm gần đây, công việc văn phòng trở nên nhập nhằng và phức tạp hơn, Lash nói. Chúng ta phải làm việc theo nhóm để giải quyết những thách thức mới. Thay vì xây dựng những ranh giới khắt khe giữa công việc và đời sống cá nhân, các công ty lại tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ, đưa cả công ty đi nghỉ hoặc tổ chức các sự kiện để mọi người có thể hiểu nhau tốt hơn.
Điều này mang lại nhiều cơ hội để những mối quan hệ vợ chồng trong công việc có thể phát triển và khiến cho tình bạn nơi công sở trở nên sâu sắc hơn so với thế hệ trước, Lash nói.
“Đối với người bạn đời trong công việc, bạn có thể chia sẻ cảm xúc cũng như những điều làm mình khó chịu một cách thoải mái hơn.”
Những điều cấm kỵ và ‘những cuộc ly dị’
Ngay cả khi những mối quan hệ phối ngẫu trong công việc đang trở nên ngày càng phổ biến, thì nhiều người trong chúng ta vẫn tỏ ra ngại ngùng trước khái niệm này.
Dù Friberg thường xuyên đăng tải những thứ liên quan đến người ‘vợ trong công việc’ của ông trên Facebook, nhưng người đó không gọi ông là ‘chồng trong công việc’ của mình. Ông giải thích rằng bà đã có gia đình và không muốn người khác hiểu nhầm về mối quan hệ của họ,
Khoảng 40% những người trả lời phỏng vấn trong khảo sát của McBride và Bergen nói ngay cả khi có vợ chồng trong công việc thì họ cũng không gọi nhau bằng cái tên đó. “Bản chất của cái tên đó khiến nó trở thành điều kiêng kỵ,” McBride nói.
Một vấn đề khác đó là khái niệm này không thực sự thuộc về danh mục quan hệ rõ ràng nào, như gia đình, đồng nghiệp hoặc bạn bè, McBride nói. Điều này có thể gây ra sự hiểu lầm, khó chịu ở công sở.
Khi ông và Bergen còn dạy đại học, nhiều người từng gọi cả hai là bạn đời trong công việc. “Tôi biết vì sao họ lại gọi chúng tôi như vậy và nó làm tôi khó chịu. Vì bà ấy đã có chồng, và người đó không phải là tôi.”
“Tôi cũng có một ông chồng ở công sở,” một người tham gia khảo sát nói. “Ông thường xuyên ăn trưa với tôi và là người tôi có thể tâm tình thoải mái. Điều may mắn là tôi cũng trở thành một người bạn tốt của vợ ông ấy!”
Dù McBride nói rằng những mối quan hệ này có thể là điều tốt cho các công ty vì giúp tăng sự hài lòng trong công việc, tăng hiệu suất cũng như sự trung thành, nó cũng có thể khiến những nhân viên khác trở nên ganh tị và dẫn đến những cáo buộc về phân biệt đối xử, nhất là khi đó là mối quan hệ giữa hai người ở những cấp bậc khác nhau.
Đó là chưa kể một bất lợi khác: Ly dị. Một người viết trong khảo sát: “Người vợ trong công việc của tôi vừa đi tìm việc mới, tôi cảm thấy thật đau khổ. Cần tìm vợ mới.”