Hoàng thân Philip, phu quân của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, vừa qua đời ở tuổi 99. Ông xuất thân từ gia đình hoàng gia (cha là hoàng tử Hy Lạp Andrew (em trai vua Constantine), và là cháu nội của vua Đan Mạch Christian IX), được cho là người lính tài năng và tiến gần đến chức lãnh đạo hải quân trước khi phu nhân kế vị ngôi vua.
Hoàng thân Philip sinh tại đảo Corfu của Hy Lạp vào ngày 10/6/1921. Lúc chỉ mới vài tháng tuổi, gia đình ông đã phải sống lưu vong nhiều nơi và cuối cùng định cư tại Paris. “Tôi sinh ra là người Hy Lạp nhưng mang dòng máu Đan Mạch”, Hoàng thân Philip nói trong cuộc phỏng vấn năm 2011 với BBC.
Ông Philip đi học tại trường Mỹ ở Paris, sau đó trải qua nhiều nơi gồm Anh, Đức rồi Scotland. Cũng chính vì gốc gác và việc phải trải qua nhiều nơi mà ông Philip có thể nói được nhiều thứ tiếng.
“Chúng tôi nói tiếng Anh ở nhà. Những người khác học tiếng Hy Lạp. Tôi có thể hiểu một chút nhưng cuộc trao đổi diễn ra bằng tiếng Pháp. Rồi sau đó sang tiếng Đức. Nếu bạn không thể nhớ một từ trong một ngôn ngữ, bạn thường hay nghĩ đến nó bằng ngôn ngữ khác”, ông Philip nói.
Ông Philip phải sống xa gia đình từ năm 10 tuổi và thường tá túc ở nhà họ hàng tại Anh trong kỳ nghỉ. Có lần ông từng tự nhận mình là người không có chỗ ở cố định và cho rằng bất cứ nơi đâu ông đặt chân đến đều là nhà. “Đó là cuộc sống rất vui vẻ”, hoàng thân Philip nói.
Năm 1939, hoàng thân Philip gia nhập hải quân Anh với tư cách là học viên xuất sắc nhất tại trường hải quân Dartmouth trong khóa học của ông. Sau đó, ông giành được nhiều chiến công với vai trò điều khiển đèn chiếu sáng cho chiến hạm để rọi vào kẻ thù trong Trận Cape Matapan ngoài khơi Hy Lạp năm 1941, thất bại hàng hải đau đớn của đế quốc Ý.
Năm 1943, ông là chỉ huy thứ hai của chiến hạm HMS Wallace tham gia cuộc đổ bộ lên Sicily, giúp con tàu thoát khỏi cuộc oanh kích ban đêm khi dùng một chiếc bè nhỏ với khói để làm mồi giả.
Đến năm 1945, ông Philip có mặt tại vịnh Tokyo khi quân Nhật ký thỏa thuận đầu hàng trên tàu USS Missouri. Đến thập niên 1950, ông Philip chỉ huy tàu hộ tống HMS Magpie và triển khai tại Malta. Ông Philip đã đến rất gần với vị trí cao nhất của hải quân trước khi việc kế vị ngôi vua vào năm 1952 của phu nhân Elizabeth II chấm dứt đời binh nghiệp của ông.
“Thật là sự thất vọng vì tôi chỉ vừa được thăng hàm chỉ huy. Thực tế, phần thú vị nhất của sự nghiệp hải quân mới chỉ bắt đầu”, ông Philip nói trong cuộc phỏng vấn năm 2011. “Nhưng bù lại, nếu tôi ngừng lại và suy nghĩ về việc đó, việc kết hôn với nữ hoàng, tôi cảm thấy bổn phận đầu tiên của mình là phục vụ bà ấy theo cách tốt nhất có thể”, hoàng thân Philip nói. Năm 1947, ông Philip cũng phải từ bỏ các tước hiệu trong hoàng gia Đan Mạch và Hy Lạp để được sắc phong làm Công tước xứ Edinburgh rồi kết hôn với công chúa Elizabeth.
Đô đốc Terence Lewin, đồng đội của ông Philip mô tả về vị hoàng thân: “Ông ấy là thủy thủ rất tài năng. Nếu ông ấy không trở thành con người ông ấy đã từng, ông ấy có lẽ đã là Tham mưu trưởng hải quân chứ không phải tôi”, ông Lewin nói. Tuy phải kết thúc sự nghiệp nhà binh của mình nhưng ông Philip vẫn giữ gắn bó chặt chẽ với quân đội. Năm 2011, Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm ông là người đứng đầu danh dự hải quân hoàng gia Anh.
Chuyện tình như cổ tích của Hoàng thân Philip
Hoàng thân Philip gặp Nữ hoàng Elizabeth II (lúc đó bà vẫn là công chúa) lần đầu tiên vào năm 1934, sau đó nảy sinh tình cảm và tiến tới hôn nhân.
Sự ra đi của Hoàng thân Philip hôm 9/4/2021 đánh dấu sự kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài hơn 7 thập kỷ giữa ông và Nữ hoàng Elizabeth II. Hai người kết hôn tại Tu viện Westminster vào ngày 20-11-1947 khi Philip đang ở độ tuổi 20 và trước khi bà Elizabeth trở thành Nữ hoàng Anh.
Năm 1997, Nữ hoàng Elizabeth II bày tỏ lòng kính trọng đối với phu quân của mình nhân kỷ niệm đám cưới vàng: “Ông ấy là người khá đơn giản và là nguồn sức mạnh của tôi, đã ở lại suốt những năm qua. Tôi, cả gia đình ông ấy và nhiều quốc gia khác, nợ ông ấy một món nợ lớn hơn những gì ông ấy có thể đòi”.
Hoàng thân Philip gặp Công chúa Elizabeth lần đầu tiên tại đám cưới của Công chúa Marina của Hy Lạp – Đan Mạch và Hoàng tử George, Công tước xứ Kent năm 1934. Sau đó, hai người tiếp tục gặp gỡ trong suốt thập kỷ kế tiếp.
Elizabeth – lúc ấy còn rất trẻ – đã say đắm chàng Philip với mái tóc vàng và đôi mắt xanh. Những người thân cận của Elizabeth cho biết vẻ ngoài ưa nhìn của Philip đã gây ấn tượng tốt cho công chúa.
Hai người trao đổi thư từ và đến năm 1946, Hoàng thân Philip, khi đó ngoài 20 tuổi, được Vua George VI cho phép kết hôn với con gái của mình nhưng phải đợi đến khi Elizabeth 21 tuổi.
Các cận thần của Vua George VI dường như không thích Philip. Có những e ngại rằng ông không dư dả về tài chính và có nguồn gốc nước ngoài. Trong khi đó, Vua George VI cũng được cho là lo ngại về độ tuổi còn nhỏ của con gái mình.
Hoàng thân Philip sau đó từ bỏ tước vị Hy Lạp và Đan Mạch của mình, lấy họ của gia đình mẹ và tự xưng là trung úy Philip Mountbatten trước khi kết hôn với Công chúa Elizabeth.
Vua George VI đã phong cho con rể mình các tước vị gồm Công tước xứ Edinburgh, Bá tước xứ Merioneth và Nam tước Greenwich.
Vài năm sau khi kết hôn, Hoàng thân Philip và Công chúa Elizabeth sống một cuộc sống tương đối bình thường. Ông tiếp tục phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Anh. Hai người sớm có 2 con là Thái tử Charles và Công chúa Anne.
Cuộc sống của Hoàng thân Philip và Công chúa Elizabeth thay đổi từ năm 1952 khi công chúa đang ở Kenya thì Vua George VI qua đời.
Elizabeth sau đó trở thành Nữ hoàng Elizabeth II ở tuổi 26, còn Philip từ bỏ sự nghiệp của mình trong Hải quân Hoàng gia Anh để hỗ trợ vợ. Khoảng 5 năm sau khi lên ngôi Nữ hoàng, vào năm 1957, Nữ hoàng Elizabeth II đã phong cho chồng mình làm hoàng tử của Vương quốc Anh.
Đáng chú ý, Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth II có quan hệ họ hàng 3 đời khi chung một bà cố là Nữ hoàng Victoria. Trong đó, Hoàng thân Philip là hậu duệ trực tiếp của Công chúa Alice, con thứ ba của Nữ hoàng Victoria. Còn Nữ hoàng Elizabeth II là hậu duệ trực tiếp của con trai cả của Nữ hoàng Victoria, người sau đó trở thành Vua Edward VII, theo trang web của hoàng gia Anh.