Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei đã bị Canada bắt tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Vậy tại sao ‘công chúa’ Huawei bị bắt?
Bà Mạnh Vãn Chu, 47 tuổi, được gọi là “công chúa” Huawei bởi bà là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Sở dĩ bà mang họ Mạnh bởi bà nói năm 16 tuổi đã tự quyết định đổi sang họ của mẹ. Gần đây bà Mạnh cũng được cho sẽ trở thành người kế vị ông Nhậm khi bà Mạnh giữ chức phó chủ tịch tập đoàn, chỉ đứng sau ông Nhậm trong hệ thống tại Huawei. Tuy nhiên, Huawei chưa từng công bố rõ ràng kế hoạch kế nhiệm của bà Mạnh.
Bà Mạnh Vãn Chu đã bị Mỹ cáo buộc lừa đảo nhiều tổ chức tài chính và nếu tội danh này được thành lập, bà có thể phải ngồi tù đến 30 năm ở ngoại quốc.
Theo New York Times, Huawei từ nhiều năm trước đây đã là đối tượng điều tra của các cơ quan chức năng Mỹ liên quan đến hành động vi phạm lệnh cấm vận Iran. Tuy nhiên, mãi đến khoảng quý II năm 2017, hãng công nghệ Trung Quốc này mới “cảm nhận” được sự nguy hiểm của các cuộc điều tra của Mỹ đối với cá nhân lãnh đạo Huawei, trong đó có bà Mạnh Vãn Chu.
Bằng chứng là bà Mạnh vẫn thường xuyên bay đến Mỹ thăm con trai đang du học tại Boston cho đến tận tháng 4/2017. Kể từ đó, cơ quan quản lý nhập cảnh của Mỹ không ghi nhận được thêm lần nhập cảnh nào của bà Mạnh nữa.
Bà Mạnh bị cảnh sát Canada bắt giữ hôm 1/12/2018 trên một chuyến bay quá cảnh ở Vancouver từ Hong Kong. Nhưng thực chất, lệnh bắt bà đã được toà án quận Đông New York (Mỹ) phát đi từ ngày 22/8. Sau đó, lệnh bắt khẩn cấp bà Mạnh do thẩm phán Canada ký hôm 30/11/2018.
Tài liệu toà án cho thấy bà Mạnh bị cáo buộc “âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính”. Vậy tại sao Giám đốc tài chính một tập đoàn công nghệ lớn như Huawei lại bị buộc tội danh lừa đảo? Lừa đảo như thế nào? Cớ gì Mỹ lại được can thiệp “thô bạo” vào một doanh nghiệp Trung Quốc như vậy?
Thực ra, sự việc đã bắt đầu từ giai đoạn năm 2009 – 2014, khi Mỹ nghi ngờ Huawei núp dưới bóng công ty Skytech của Hong Kong để giao dịch buôn bán thiết bị viễn thông, máy tính với Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Do Huawei sử dụng vi xử lý của các hãng Mỹ sản xuất nên hàng hoá của Huawei cũng thuộc diện cấm không được bán cho Iran.
Sau khi hãng tin Reuters đăng một số bài điều tra đặc biệt năm 2013 cho thấy Huawei sử dụng công ty Skytech để bán hàng cho Iran, một số ngân hàng làm việc với Huawei, trong đó có ngân hàng HSBC đã yêu cầu Huawei giải trình. Lúc đó, bà Mạnh Vãn Châu thay mặt Huawei đã đến trực tiếp HSBC để thuyết trình rằng Huawei không có liên quan gì đến Skytech (đã bán toàn bộ cổ phần của Huawei trong Skytech), rằng Huawei không vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó nhóm giám sát hoạt động chống rửa tiền và vi phạm lệnh cấm vận tại HSBC đã báo cáo với các công tố viên Mỹ về các khoản giao dịch nghi ngờ dưới tài khoản của Huawei. Với những bằng chứng là nhân viên Skycom vẫn sử dụng địa chỉ email có tên miền của Huawei, thẻ nhân viên và tiêu đề văn bản có logo Huawei, các tài liệu của Skycom cho thấy công ty mua lại Skycom vào năm 2009 cũng chịu sự kiểm soát của Huawei ít nhất đến năm 2014… các công tố viên Mỹ cho rằng Skycom là công ty con “phi chính thức” của Huawei và hãng luôn tìm cách che đậy mối liên kết này.
Mặc dù Huawei luôn phủ nhận vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ, và những chứng cứ Mỹ đưa ra là thiếu thuyết phục, nhưng điều đó không thể cản được Mỹ bắt giữ “linh hồn” tài chính của hãng. Trung Quốc đã giận dữ, triệu tập đại sứ Mỹ yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức, nếu không sẽ gặp hậu quả khó lường. Nhưng phía Mỹ vẫn cứ “việc mình mình làm”.
Sau đó, bà Mạnh đã được tòa án Canada cho tại ngoại với điều kiện phải bị giám sát 24/24 bằng các thiết bị định vị gắn trên người như vòng đeo tay, chân định vị GPS, có cảnh sát giám sát 24/24 giờ quanh nhà trong thời gian chờ xét xử dẫn độ sang Mỹ. Quá trình xét xử dẫn độ sang Mỹ sẽ mất nhiều tháng và lịch sử tư pháp cho thấy khả năng Canada cho phép dẫn độ lên đến hơn 90%. Nếu bị dẫn độ và xét xử tại Mỹ, công chúa Huawei có thể phải đối mặt với án tù 30 năm.
Việc Mỹ yêu cầu bắt giữ bà Mạnh là một nước cờ của Mỹ mở đầu cho cuộc chiến thương mại Mỹ Trung kéo dài cho đến hôm nay.