Nói Everest đỉnh cao nghiệt ngã cho đến lúc này còn nguyên vẹn ý nghĩa khi 11 nhà leo núi tử vong trên hành trình chinh phục nóc nhà thế giới mùa leo núi năm 2019.
Cuối tháng 5/2019, trong bối cảnh thời tiết thích hợp cho hoạt động leo núi chỉ còn kéo dài vài ngày nữa trước khi trở nên xấu đi, mùa leo núi 2019 được cho là có nhiều người leo núi thiệt mạng nhất trong những năm gần đây.
Các nhà leo núi cho rằng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu kinh nghiệm và tình trạng thương mại hóa cuộc thám hiểm là những yếu tố góp phần vào tình trạng quá tải trên đỉnh Everest.
Leo núi ở Nepal đã trở thành một ngành kinh doanh sinh lời kể từ khi hai nhà leo núi Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest năm 1953. Mùa leo núi mùa Xuân 2019, Nepal đã cấp 381 giấy phép leo núi Everest – một con số kỷ lục – với giá 11.000 USD/mỗi giấy phép, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn đường lên đỉnh núi.
Phần lớn người leo núi Everest được một người Nepal dẫn đường, có nghĩa là trên 750 người leo núi dự kiến đi cùng trên con đường chênh vênh lên đỉnh Everest trong mùa leo núi này.
Nhiều núi ở dãy Himalaya, trong đó có núi Everest, đang trong mùa cao điểm leo núi, với điều kiện thời tiết thuận lợi trong thời gian từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5.
Nhà leo núi người Anh Robin Haynes Fisher là một trong những người đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng quá tải trên tài khoản Instagram của mình vào ngày 19/5, một tuần trước khi ông qua đời: “Do chỉ có duy nhất một đường lên đỉnh, sự chậm trễ do quá đông người có thể gây tử vong, tôi dời chuyến thám hiểm đến ngày 25/5, hi vọng sẽ có ít người hơn. Trừ khi những người khác cũng quyết định lùi hành trình của mình giống tôi”.
Ông Fisher chết do sốc độ cao ở độ cao 8.600 m, trên đường quay trở xuống vào ngày 25/5.
Trong thời gian từ 20/5, nhiều nhà leo núi đã bị kẹt trong một hàng dài trên đường hướng đến ‘nóc nhà thế giới’ cao 8.848 m.
Ở độ cao này, đa số mọi người chỉ có thể sống vài phút nếu không có thiết bị bổ sung oxy, và chỗ mà các nhà leo núi bị kẹt lại gọi là “khu vực tử thần”.
Người hướng dẫn leo núi Adrian Ballinger cho biết rất nhiều người coi chinh phục Everest là “thử thách cuối cùng” mà họ phải thực hiện. Nhiều người chưa đủ kinh nghiệm cũng cố lên đỉnh Everest, trong khi thị trường có nhiều công ty chào bán dịch vụ.
Sự kết hợp của những tay leo núi chưa đủ kinh nghiệm, việc thương mại hóa tuyến thám hiểm đã dẫn đến tình huống là nhiều người leo lên được đỉnh cao chỉ để đổi lấy cái chết.
Ballinger cho biết bất cứ đâu ở độ cao trên 7.924 m đều là chỗ của tử thần, vì con người không thể tồn tại ở đó. Ngay cả khi có bình oxy và dự trữ oxy, chúng ta cũng chỉ sống được thêm vài giờ trước khi cơ thể ngừng hoạt động. Vì vậy, nếu bị kẹt do quá đông nhà leo núi ở độ cao này, hậu quả sẽ rất nặng nề.
Nhà leo núi David Morton cho rằng nhiều công ty tổ chức chuyến đi cũng thiếu kinh nghiệm. Ông nói: “Công tác hậu cận cho việc chinh phục đỉnh Everest rất phức tạp, và tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều công ty tay mơ bên cạnh những tay leo núi chưa đủ cứng cựa”.
Từ năm 1922 đến nay, hơn 200 nhà leo núi đã chết trên khi chinh phục Everest. Đa số các thi thể đều nằm lại dưới băng tuyết.