Trong một lần đi rừng, tình cờ ông Hồ Khanh nhìn thấy làn mây trắng đục kèm với gió thốc lớn từ phía trong thổi ra. Lại gần, ông thấy một cửa hang khá lớn. Ngờ đâu, 18 năm sau, hang này được công bố là hang lớn nhất thế giới.
Hồ Khanh, người đàn ông được dân trong vùng họi là “Vua hang động” hiện đã 48 tuổi, dáng cao gầy, rắn rỏi, trú ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Nhớ về chuyến đi rừng năm 1990, ông Khanh kể: “Thời đó, tôi cũng như bao người địa phương, lên rừng tìm kế sinh nhai. Trong lần đi rừng một mình, tôi tình cờ nhìn thấy làn mây trắng đục, có gió lớn kèm tiếng hú thổi ra. Lại gần thì làn gió mát lạnh”.
Tuy nhiên, sau đó ông Khanh không khám phá tiếp mà chỉ dừng lại nghỉ lấy sức. Những năm sau, ông tiếp tục khám phá rừng qua nhiều chuyến đi. Cho đến khi Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thành lập, ông Khanh trở về làm ruộng.
Cái duyên với hang động chỉ đến với Hồ Khanh vào năm 2008, khi đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh đến Quảng Bình khảo sát. “Đoàn chuyên gia tìm gặp những sơn tràng kỳ cựu để điều tra về các hang động. Tôi kể cho họ về cái cửa hang từng gặp. Khi nghe đến đó, ông Howard Limbert mắt sáng rực lên, tinh thần đầy phấn chấn”, ông Khanh nhớ lại.
Qua miêu tả của Hồ Khanh, ông Limbert nhận định đó sẽ là một cái hang khá lớn và động viên ông Khanh đi tìm lại cửa hang. “Bấy giờ tôi không mấy hứng thú với việc trở lại đi rừng. Nhưng thấy ông ấy háo hức nên nhận lời”, ông bộc bạch.
Trước khi trở vào rừng, Hồ Khanh tìm gặp những sơn tràng khác để hỏi về cửa hang, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chưa ai ở địa phương từng gặp hang này, Hồ Khanh đành trở vào rừng một mình. Ngày đầu tiên, ông mất phương hướng giữa rừng xanh núi thẳm. Nhưng kinh nghiệm đi rừng và cơ duyên đã đến với người đàn ông này khi vào ngày thứ hai, ông tìm lại được cửa hang.
Một năm sau, đoàn chuyên gia trở lại và Hồ Khanh cùng với ông Howard Limbert chính thức thám hiểm toàn bộ hang động này, đồng thời công bố trên tạp chí National Geographic về hang lớn nhất thế giới năm 2010.
“Theo thông lệ thì người phát hiện hang động được đặt tên. Tôi đã chọn tên Hồ Khanh, nhưng sau đó có ý kiến đề nghị đặt lại. Họ gợi ý chọn tên Đoòng, một bản nhỏ trên đường vào hang và tôi đồng ý đặt là Sơn Đoòng, với nghĩa ngọn núi ở sau bản Đoòng”, ông Khanh kể.
Từ đó trở đi, ông Hồ Khanh cộng tác với đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, hàng năm vào rừng Phong Nha tìm thêm nhiều hang động. Những lần sau này, ông Khanh được thoải mái chọn tên hang và đã có rất nhiều cái hang mang tên người thân của ông, như hang Nghĩa (vợ ông), hang Thái Hoà (con), hang Hùng (tên một người bạn)…
Chính Hồ Khanh cũng là người khám phá ra hang Thiên Đường, hiện được khai thác du lịch và mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan. “Ngày trước nghĩ đoạn tuyệt với rừng, nhưng nay không đi rừng thì lại thấy bồn chồn. Vất vả, khổ cực thì không thể kể hết được, rắn rết, côn trùng cắn hay trật chân, bong tay là chuyện quá bình thường với những người đi rừng như bọn tôi”, ông Khanh kể về những gian nan gặp phải giữa đường rừng.
Cái tên Hồ Khanh cũng được nhiều đoàn thám hiểm, nghiên cứu sinh vật lựa chọn để làm người dẫn đường cho mỗi chuyến nghiên cứu dơi, voọc hay là tìm kiếm một loài cây. “Những năm đầu, phương tiện bảo hộ không có nhiều nên gặp không ít nguy hiểm. Nhiều năm sau tằn tiện, tôi mới mua cho riêng mình trang bị chuyên nghiệp của người đi hang động. Những thứ này vô cùng đắt, có khi chỉ một đinh vít bắt vào đá đã mấy triệu đồng”, Hồ Khanh cười kể.
Tự hào vì tìm được khoảng 30 hang động, mang vẻ đẹp quê hương đến với thế giới, dần dà máu khám phá ngấm vào trong người Hồ Khanh. Ông thường tìm đến những người đi rừng trẻ tuổi để đặt hàng họ tìm hang động, hoặc để nghe kể về những “dấu hiệu hang động”.
Trước khi trở vào rừng với đoàn chuyên gia, ông đều phải tự mình thực hiện những chuyến tiền trạm nhằm lên kế hoạch cho đoàn thám hiểm, hoặc trở lại thăm hang cũ, hoặc khám phá hang mới theo lời kể của những người đi rừng.
Đến năm 2011, khi hang Sơn Đoòng đi vào khai thác du lịch, ông Khanh trở thành nhân viên của đơn vị khai thác hang và là tổ trưởng của những người phục vụ gùi hành lý cho du khách. Hồ Khanh cũng mở một quán cà phê nhỏ tại nhà, ngay bên dòng sông Son thơ mộng dẫn lên hang Phong Nha và Tiên Sơn.
Cái quán “Hồ trên núi” nhỏ và đơn sơ này trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người cùng có máu khám phá hang động như Hồ Khanh. Ông cũng tận dụng mảnh vườn nhỏ, làm mấy gian nhà “Home stay” đón khách du lịch khắp thế giới về thăm vương quốc hang động Phong Nha.
Những ngày này, ông Khanh tất bật với việc thu thập thông tin để trở lại cho chuyến khám phá hang động được lên kế hoạch vào tháng 3/2016.