Đêm nay, 10/4/2019, các nhà khoa học quốc tế đã công bố bức ảnh đầu tiên con người chụp được hố đen vũ trụ to gấp 3 triệu lần Trái đất. Làm thế nào chụp ảnh được hố đen vũ trụ không?
Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ đồng loạt công bố những hình ảnh hố đen đầu tiên con người chụp được tại Tokyo (Nhật Bản), Brussels (Bỉ), Đài Bắc (Đài Loan), Santiago (Chile) và Thượng Hải (Trung Quốc).
Đây là một kết quả đột phá từ dự án Kính viễn vọng Event Horizon, mà các nhà khoa học gọi là đã làm được điều không thể. Hình ảnh phần bóng của hố đen vũ trụ đã chứng minh rằng nhiều thực thể vô hình, bí ẩn thực sự là có tồn tại.

Hố đen vũ trụ là một khối vật chất bị nén đến cực đại, khiến trường hấp dẫn xung quanh là cực kỳ lớn. Nó lớn đến nỗi đủ sức để hút mọi thứ, ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra.
Hố đen được chụp lần này có đường kính 40 tỷ km, to hơn Trái Đất ba triệu lần và nằm cách chúng ta nhiều nghìn tỷ km.
Để chụp được bức ảnh đầu tiên về hố đen siêu khối lượng, các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng mạng lưới 8 kính viễn vọng vô tuyến toàn cầu kết hợp lại với nhau tạo thành chiếc kính viễn vọng ảo có kích thước tương đương Trái Đất.
Vào bốn ngày khác nhau trong tháng 4/2017, 8 đài thiên văn đặt tại bang Hawaii và bang Arizona thuộc Mỹ, Tây Ban Nha, Mexico, Chile và Nam Cực đã đồng loạt xoay kính vào hố đen Sagittarius A* tại trung tâm Ngân Hà cách Trái Đất 26 ngàn năm ánh sáng. Kết hợp lại, những đài thiên văn này tạo thành một chiếc kính thiên văn dài hơn 12.000 km.
Tất cả các dữ liệu thu thập được do các siêu máy tính của Viện Công nghệ MIT của Mỹ và Viện Công nghệ Bonn của Đức tổng hợp và xử lý. Những chiếc máy này sử dụng thuật toán hình ảnh để lấp vào những phần bị thiếu và dựng lại bức hình toàn cảnh.
Việc chụp ảnh được hố đen sẽ đặt nền tảng cho nhiều nghiên cứu trong tương lai. Các lỗ đen có thể đóng vai trò quan trọng trong sự hiểu biết của con người khi nghiên cứu hành vi của ánh sáng và vật chất ở những môi trường khắc nghiệt nhất trong vũ trụ./.