Hai năm một lần, Mỹ công bố báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ vào tháng 3 hoặc 4. Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia.
- Tiêu chí 1 (C1) vẫn áp dụng ngưỡng thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD;
- Tiêu chí 2 (C2) điều chỉnh ngưỡng thặng dư cán cân thanh toán xuống 2% GDP từ mức 3% GDP trước đây;
- Tiêu chí 3 (C3) qui định thời gian mua ngoại tệ ròng liên tục được điều chỉnh xuống 6/12 tháng thay vì 8/12 tháng trước đây.
Trong báo cáo tháng 5/2019, với các tiêu chí đánh giá chặt chẽ hơn như vậy, số quốc gia bị xem xét đã tăng từ 12 quốc gia kỳ trước lên 21 quốc gia.
Thời điểm đó, mặc dù chưa quốc gia nào bị gắn mác “thao túng tiền tệ” nhưng số lượng các quốc gia nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ cũng tăng từ con số 6 lên thành 9 (chạm 2 ngưỡng C1 và C2), trong đó có 5 quốc gia được bổ sung mới là Italy, Ireland, Singapore, Việt Nam và Malaysia và có 2 quốc gia được loại ra khỏi danh sách là Ấn Độ và Thụy Sỹ.
Ngoài ra có 4 quốc gia tiếp tục được giữ nguyên trong danh sách theo dõi là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Đặc biệt có Đức là một quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro) nhưng vẫn bị liệt vào danh sách theo dõi.
Ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách 21 quốc gia bị theo dõi, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc Việt Nam bị lọt vào Danh sách giám sát do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Thời gian tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.
Mới đây nhất, ngày 6/8/2019, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ còn 6,9225 nhân dân tệ (CNY) đổi một USD – lần đầu tiên CNY xuống dưới mốc quan trọng 7 CNY một USD trong 11 năm qua – để trả đũa Mỹ tăng thuế 10% đối với 300 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, Mỹ đã chính thức tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết. “Kết quả của quyết định này, Bộ trưởng Mnuchin sẽ cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) loại bỏ những lợi thế cạnh tranh không công bằng có được từ những động thái gần đây nhất của Trung Quốc”.
Các biện pháp Mỹ trừng phạt Trung Quốc thao túng tiền tệ như thế nào chưa được công bố.