Dậy thì sớm trung ương là gì? Dậy thì sớm trung ương là một trong hai dạng dậy thì sớm, còn được gọi là dậy thì phụ thuộc vào gonadotropin.
Dậy thì sớm trung ương (CPP-central precocious puberty) là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi ở trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai), do sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục. Thường gặp ở trẻ gái, > 90% là vô căn.
Đa số là vô căn: chiếm 90%, đến 25% có tính gia đình (di truyền trội, nhiễm sắc thể thường).
Những bất thường thần kinh trung ương: hiếm gặp, bao gồm:
+ Hamartomas vùng dưới đồi.
+ Khối u: u tế bào hình sao,u thần kinh đệm, u tế bào mầm tiết HCG.
+ Tổn thương thần kinh mắc phải do viêm nhiễm, phẩu thuật, chấn thương, xạ trị hoặc áp xe.
+ Bất thường bẩm sinh: não úng thủy, nang màng nhện, nang trên hố yên.
Dậy thì sớm trung ương là gì? Dậy thì sớm trung ương có đặc điểm gì?
Từ khi sinh ra đến trước tuổi dậy thì, tuyến sinh dục (tinh hoàn đối với nam và buồng trứng đối với nữ), tuyến yên và vùng dưới đồi đều không hoạt động. Khi có một kích thích đủ mạnh từ vùng limbic (hệ viền) sẽ kích thích vùng dưới đồi bài tiết đủ lượng Gn-RH và phát động hoạt động chức năng của trục vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục, gây nên hiện tượng dậy thì. Dậy thì sớm trung ương chính là do sự thoái hóa trung tâm dậy thì gây kích thích hệ trục nói trên.
Ở trẻ trai, mốc đánh dấu bắt đầu dậy thì là khi thể tích tinh hoàn tăng trên 4ml và mốc đánh dấu dậy thì hoàn toàn là lần xuất tinh đầu tiên. Tuổi dậy thì hoàn toàn ở trẻ trai từ 15-16 tuổi (Việt Nam). Ở trẻ nữ, thời điểm bắt đầu dậy thì được tính từ khi tuyến vú bắt đầu phát triển (ở Việt Nam thường từ 8-10 tuổi). Thời điểm dậy thì được đánh dấu bằng lần kinh nguyệt đầu tiên khoảng 13-14 tuổi.
Dậy thì sớm trung ương là gì? Phác đồ điều trị dậy thì sớm trung ương
Mục tiêu điều trị
Làm giảm hoặc ngừng sự phát triển các đặc tính dậy thì và sự trưởng thành của xương để cải thiện chiều cao ở tuối trưởng thành.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị nguyên nhân khi có nguyên nhân. Đặc biệt harmatome hạ đồi kích thước nhỏ < 3mm, không biến chứng xem xét chỉ định dùng thuốc ức chế tiết GnRH.
Dùng thuốc ức chế tiết GnRH trong các trường hợp dậy thì sớm trung ương nguyên phát.
Thuốc ức chế tiết GnRH
Liều dùng:
+ Trẻ > 20kg: Triptoreline 3,75mg/ống – 1 ống tiêm bắp mỗi 4 tuần.
+ Trẻ < 20kg: Triptoreline 3,75mg/ống – 1/2 ống tiêm bắp mỗi 4 tuần.
Theo dõi
Đánh giá lại các thay đổi về đặc tính dậy thì mỗi 3 – 6 tháng
- Cân nặng, chiều cao, tốc độ tăng trưởng, BMI.
- Kích thước tuyến vú, thể tích tinh hoàn, lông mu.
- LH, estrogen, testosterone.
Đánh giá lại tuổi xương sau 6 tháng đầu điều trị, và sau đó là mỗi năm
Tác dụng phụ
Chỉ định ngưng thuốc
Tuổi thực từ 10,5 đến 11,5 tuổi hoặc tuổi xương đủ 12 tuổi.
Có tác dụng phụ.
Sau khi ngừng thuốc
Các đặc tính sinh dục sẽ phát triển trở lại trong vài tháng.
Trẻ gái: kinh nguyệt bắt đầu hoặc sẽ có trở lại sau 12 đến 18 tháng, vẫn có sự rụng trứng và mang thai như các trẻ khác.
Trẻ trai: vẫn có sự sản xuất tinh trùng bình thường.
Một nghiên cứu công bố năm 2019 nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của 81 trẻ gái dậy thì sớm trung ương (DTSTƯ) tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2019.
Kết quả nghiên cứu: Phần lớn (61,73%) dậy thì sớm phát hiện khi trẻ được 6-8 tuổi với lý do đến khám bệnh là vú to (82,71%) và có kinh nguyệt dưới 3 tháng.
100% đối tượng có tuyến vú giai đoạn Tanner 2 trở lên, 16,05% có lông mu, 11,11% có kinh nguyệt và chiều cao tăng thêm 2,05 ± 0,98 cm.
Đối tượng có tuổi xương lớn hơn tuổi thực trung bình tại thời điểm khám bệnh là 21,9 ± 2,71 tháng. Hơn một nửa (55,56%) trẻ gái có chiều cao tử cung trên 34 mm. Hầu hết (87,7%) trẻ được làm test GnRH, 100% các trường hợp LH < 0,3 UI/L đều được làm test GnRH.
100% các trường hợp nghiên cứu là dậy thì sớm trung ương vô căn.
Kết luận: Trẻ gái DTSTƯ thường xuất hiện 6-8 tuổi biểu hiện vú to và kinh nguyệt. Tuổi xương cao hơn tuổi thực, bề cao tử cung trên 34 mm, thường vô căn.