Bổ ngữ là gì? Bổ ngữ là thành phần phụ đứng trước hoặc sau động từ hoặc tính từ để bổ nghĩa cho động từ hay tính từ đó, góp phần tạo thành Cụm động từ hay Cụm tính từ.
Ví dụ:
- Cuốn sách rất vui nhộn. (rất là bổ ngữ, làm rõ nghĩa cho tính từ “vui nhộn”, rất vui nhộn được gọi là Cụm tính từ).
- Gió đông bắc thổi mạnh. (mạnh là bổ ngữ, làm rõ nghĩa cho động từ “thổi”, thổi mạnh được gọi là Cụm động từ).
Bổ ngữ là gì? Các loại bổ ngữ thường gặp
a. Bổ ngữ tình thái, thường đứng trước động từ hay tính từ, biểu thị các tình thái khẳng định, thời gian, thể thức diễn biến của hành động và của trạng thái, tính chất, quan hệ,… được nêu ở động từ hay tính từ trung tâm đó.
Bổ ngữ tình thái do các tiểu loại phụ từ tạo thành. Khi cụm từ có bổ ngữ tình thái làm vị ngữ, thì các phụ từ bổ ngữ đồng thời biểu thị các ý nghĩa tình thái vị ngữ, có tác dụng đánh dấu vị ngữ.
Ví dụ:
Hồi còn đi học, Hải // rất say mê âm nhạc.
b. Bổ ngữ đối tượng, biểu thị các sự vật có quan hệ với động từ hay tính từ trung tâm. Bổ ngữ đối tượng xuất hiện trong câu do yêu cầu diễn đạt “cái thông báo” và do ý nghĩa của từ trung tâm đòi hỏi hoặc chi phối. Bổ ngữ đối tượng
thường do danh từ, danh ngữ, đại từ tạo thành. Bổ ngữ đối tượng có thể kết nối với động từ hoặc tính từ theo lối trực tiếp (không dùng quan hệ từ) hoặc gián tiếp (có dùng quan hệ từ).
• Bổ ngữ trực tiếp: Bổ ngữ loại này trả lời cho câu hỏi ai? cái gì?. Nó thường được sử dụng không có giới từ, thường đứng trực tiếp sau vị ngữ và được phản ánh bằng:
♦ Danh từ, danh ngữ: Tôi // đã đọc những tờ báo này
♦ Đại từ: Tôi // đọc chúng vào buổi sáng
♦ Mệnh đề: Cô ta // nói rằng anh ta có thể đến lúc 5 giờ
• Bổ ngữ gián tiếp: Đây là loại bổ ngữ được phản ánh bằng danh từ hoặc đại từ, trả lời cho câu hỏi kiểu cho ai? cho cái gì?
Ví dụ:
Tôi // định đi mua ít đồ cho gia đình.
Bổ ngữ là gì? Trong câu tiếng Việt, bổ ngữ có thể kết hợp với nhau. Quan hệ giữa các bổ ngữ khi kết hợp với nhau là rất chặt chẽ. Có mấy trường hợp kết hợp bổ ngữ thường thấy sau đây:
động từ + đối tượng + người nhận
(vd, tặng hoa cho bạn)
động từ + đối tượng + người phát
(vd, vay tiền của bạn)
động từ + người nhận lệnh + nội dung lệnh
(vd, buộc địch bỏ chạy)
động từ + đối tượng + điểm đến
(vd, đặt sách lên bàn)
c. Bổ ngữ miêu tả, đứng sau động từ, biểu thị cách thức, trạng thái, tính chất, mục đích, nơi chốn,… bổ nghĩa cho động từ hay tính từ trung tâm.
Ví dụ:
Cỏ dại // cao lút đầu.
Bổ ngữ miêu tả do từ hay cụm từ tạo thành. Bổ ngữ miêu tả có thể nối với từ trung tâm bằng quan hệ từ hoặc không dùng quan hệ từ.