Cách phân biệt từ chỉ trạng thái và tính từ dễ hiểu nhất dành cho học sinh tiểu học từ lớp 4.
Từ chỉ trạng thái là gì?
– Từ chỉ trạng thái trước hết là động từ. Đặc điểm ngữ pháp nổi bật nhất của động từ chỉ trạng thái là: Nếu động từ chỉ hoạt động, hành động có thể kết hợp với từ xong ở phía sau (ăn xong, đọc xong ,…) thì động từ chỉ trạng thái không kết hợp với xong ở phía sau (không nói: còn xong, hết xong, kính trọng xong, …). Trong tiếng Việt có một số loại động từ chỉ trạng thái sau:
+ động từ chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại): còn, hết, có,…
+ động từ chỉ trạng thái biến hoá: thành, hoá,…
+ động từ chỉ trạng thái tiếp thụ: được, bị, phải, chịu,…
+ động từ chỉ trạng thái so sánh: bằng, thưa, hơn, là,…
– Một số “nội động từ” sau đây cũng được coi là động từ chỉ trạng thái: nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi, đứng, lăn, lê, vui, buồn, hồi hộp, băn khoăn, lo lắng… Các từ này có một số đặc điểm sau:
+ Một số từ vừa được coi là động từ chỉ hành động, lại vừa được coi là động từ chỉ trạng thái.
+ Một số từ chuyển nghĩa thì được coi là động từ chỉ trạng thái (trạng thái tồn tại).
VD: Động từ “đi”
Bác đã đi rồi sao Bác ơi! (Tố Hữu )
Anh ấy đứng tuổi rồi.
+ Một số từ mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ (kết hợp được với các từ chỉ mức độ )
– Các “ngoại động từ” sau đây cũng được coi là động từ chỉ trạng thái (trạng thái tâm lí): yêu, ghét, kính trọng, chán, thèm, hiểu,… Các từ này mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ, có tính chất trung gian giữa động từ và tính từ.
– Có một số động từ chỉ hành động được sử dụng như một động từ chỉ trạng thái.
VD:
Trên tường treo một bức tranh. (treo)
Dưới gốc cây có buộc một con ngựa. (buộc)
– ĐT chỉ trạng thái mang một số đặc điểm về ngữ pháp và ngữ nghĩa giống như tính từ. Vì vậy, chúng có thể làm vị ngữ trong câu kể: Ai thế nào ?
Cách phân biệt từ chỉ trạng thái và tính từ (từ chỉ đặc điểm, tính chất với từ chỉ trạng thái):
– Từ chỉ đặc điểm:
Đặc điểm là nét riêng biệt, là vẻ riêng của một một sự vật nào đó (có thể là người, con vật, đồ vật, cây cối,…). Đặc điểm của một vật chủ yếu là đặc điểm bên ngoài (ngoại hình ) mà ta có thể nhận biết trực tiếp qua mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi,… Đó là các nét riêng , vẻ riêng về màu sắc, hình khối, hình dáng, âm thanh,… của sự vật. Đặc điểm của một vật cũng có thể là đặc điểm bên trong mà qua quan sát,suy luận, khái quát,… ta mới có thể nhận biết được. Đó là các đặc điểm về tính tình, tâm lí, tính cách của một người, độ bền, giá trị của một đồ vật…
Từ chỉ đặc điểm là từ biểu thị các đặc điểm của sự vật, hiện tượng như đã nêu ở trên.
VD :
+ Từ chỉ đặc điểm bên ngoài: Cao, thấp, rộng , hẹp, xanh, đỏ,…
+ Từ chỉ đặc điểm bên trong: tốt ,ngoan, chăm chỉ, bền bỉ,…
– Từ chỉ tính chất:
Tính chất cũng là đặc điểm riêng của sự vật, hiện tượng (bao gồm cả những hiện tượng xã hội, những hiện tượng trong cuộc sống,…), nhưng thiên về đặc điểm bên trong, ta không quan sát trực tiếp được, mà phải qua quá trình quan sát, suy luận, phân tích , tổng hợp ta mới có thể nhận biết được. Do đó , từ chỉ tính chất cũng là từ biểu thị những đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.
VD: xấu, ngoan, hư, nặng ,nhẹ, sâu sắc, nông cạn, suôn sẻ, hiệu quả, thiết thực,…
Như vậy, đối với HS tiểu học, khi phân biệt (một cách tương đối) từ chỉ đặc điểm và từ chỉ tính chất, GV có thể tạm thời cho rằng: Từ chỉ đặc điểm thiên về nêu các đặc điểm bên ngoài, còn từ chỉ tính chất thiên về nêu các đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng. Một quy ước mang tính sư phạm như vậy được coi là hợp lí và giúp học sinh tránh được những thắc mắc không cần thiết trong quá trình học tập.
– Từ chỉ trạng thái:
Trạng thái là tình trạng của một sự vật hoặc một con người, tồn tại trong một thời gian nào đó. Từ chỉ trạng thái là từ chỉ trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan.
VD:
Trời đang đứng gió. (đứng)
Người bệnh đang hôn mê. (hôn mê)
Mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ. (toả)
Xét về mặt từ loại, từ chỉ trạng thái có thể là ĐT, có thể là TT hoặc mang đặc điểm của cả ĐT và TT (từ trung gian ), song theo như định hướng trong nội dung chương trình SGK, ở cấp tiểu học, chúng ta thống nhất chỉ xếp chúng vào nhóm ĐT để HS dễ phân biệt.
3. Phân biệt động từ chỉ trạng thái và tính từ
a. Động từ:
– Có khả năng kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh: hãy, đừng, chớ,… ở phía trước (hãy nhớ, đừng băn khoăn, chớ hồi hộp…)
– Có thể tạo câu hỏi bằng cách đặt sau chúng từ bao giờ hoặc bao lâu (tính từ không có khả năng này) (đến bao giờ? chờ bao lâu?…)
b. Tính từ :
– Có khả năng kết hợp được với các từ chỉ mức độ như: rất , hơi, lắm, quá, cực kì, vô cùng,… (rất tốt, đẹp lắm,…)
* Lưu ý:
– Các động từ chỉ cảm xúc ( trạng thái ) như: yêu, ghét, xúc động,… cũng kết hợp được với các từ: rất, hơi, lắm,…. Vì vậy,khi còn băn khoăn một từ nào đó là động từ hay tính từ thì nên cho thử kết hợp với: hãy, đừng, chớ… Nếu kết hợp được thì đó là động từ.
– Với động từ, khi xác định có thể thêm “đi, nào” và đằng sau (Chạy đi! Chơi nào!)
– Với tính từ có thể thêm từ so sánh “hơn” vào đằng sau (đẹp hơn, cay hơn, cao hơn..)
– Mở rộng với từ loại danh từ:
+ Khi xác định, ta xem từ đó có khả năng kết hợp với các từ chỉ số lượng như: mọi, một, hai, ba, những, các,… ở phía trước (những tình cảm, những khái niệm, những lúc, những nỗi đau,…); các từ chỉ định: này, kia, ấy, nọ ,đó,… ở phía sau (hôm ấy, tư tưởng đó,… ); khả năng tạo câu hỏi với từ nghi vấn “nào” đi sau (lợi ích gì? chỗ nào? khi nào?…).
+ Các động từ và tính từ đi kèm: sự, cuộc, nỗi, niềm, cái,… ở phía trước thì tạo thành một danh từ mới (sự hi sinh, cuộc đấu tranh, nỗi nhớ, niềm vui…)
+ Chức năng ngữ pháp thay đổi cũng cũng dẫn đến sự thay đổi về thể loại:
Vd: Sạch sẽ là mẹ sức khoẻ. (sạch sẽ (tính từ) đã trở thành danh từ)
BÀI TẬP
Bài 1: Đặt 2 câu có từ “nhỏ” là tính từ và động từ.
– “nhỏ” là tính từ: Đôi giày này nhỏ quá!
– “nhỏ” là động từ: Con nhớ nhỏ thuốc nhé!
Bài 2: Xác định từ loại của những từ “suy nghĩ, kết luận, ước mơ” dưới đây :
– Anh ấy đang suy nghĩ. –động từ.
– Những suy nghĩ của anh ấy rất sâu sắc. -danh từ
– Anh ấy sẽ kết luận sau.– động từ
Những kết luận của anh ấy rất chắc chắn. –danh từ
– Anh ấy ước mơ nhiều điều. –động từ
– Những ước mơ của anh ấy thật lớn lao.–danh từ
Bài 3: Phân biệt động từ và tính từ: yêu mến, thân thương, lo lắng, trìu mến, xúc động , nhớ, thương, buồn, vui, suy nghĩ
Đáp án: Tính từ là “thân thương và trìu mến” còn lại là động từ trạng thái.
Bài 4: Xác định từ loại của những từ sau :
Sách vở, kiên nhẫn, kỉ niệm, yêu mến, tâm sự,lo lắng, xúc động, nhớ, thương, lễ phép, buồn , vui, thân thương, sự nghi ngờ, suy nghĩ, cái đẹp, cuộc vui, cơn giận dữ, trìu mến, nỗi buồn.
Đáp án:
– DT : sách vở, kỉ niệm, sự nghi ngờ, cái đẹp, cuộc vui, cơn giận dữ, nỗi buồn.
– ĐT : kiên nhẫn, yêu mến, tâm sự, lo lắng, xúc động, nhớ, thương, lễ phép, buồn, vui, suy nghĩ,.
– TT : thân thương, trìu mến
? THẢO LUẬN Cách phân biệt từ chỉ trạng thái và tính từ
Trường hợp: Từ “im lặng”, “lặng im”, “lặng yên”, “yên lặng” là động từ hay tính từ? Các từ này vừa kết hợp được với từ chứng cho động từ (đã, đang, đừng, chớ, hãy,…), vừa kết hợp với từ chứng cho tính từ (rất, quá, lắm, hơi, khí, khá,…). Giải pháp xếp lại từ loại như thế nào còn gây tranh cãi. Chúng tôi thử đề xuất một giải pháp như sau:
(1) Nếu những từ này đi kèm với từ: đã, đang, đừng, chớ, hãy,… trong ngữ cảnh cụ thể, ta xếp vào động từ chỉ trạng thái.
Vd. Anh đừng im lặng như thế! / Hãy im lặng để lắng nghe tiếng nhạc.
(2) Nếu những từ này đi kèm với từ: rất, quá, lắm, hơi, khí, khá,… trong ngữ cảnh cụ thể, ta xếp vào tính từ.
Vd. Khu vườn yên tĩnh quá./Căn phòng im lặng quá! /Nơi này rất yên tĩnh.
(3) Trong trường hợp ngữ cảnh không có từ “nhân chứng”, ta tạm xếp vào động từ chỉ trạng thái.
Vd. Khu vườn hoang lặng im/Bỗng râm ran khắp lối,…
(4) Trường hợp với biện pháp tu từ nhân hoá, người viết sử dụng từ chỉ trạng thái của người gán cho vật thì phân định từ loại vẫn theo chủ thể là người.
Vd. Cốc chén nằm im.
Từ “im” chỉ đặc điểm của “nằm”, là tính từ.
Vd. Giấy bút lặng im.
Từ “lặng im” dùng theo biện pháp tu từ nhân hóa, là động từ chỉ trạng thái “bất động”, “không nói năng”.